Cập nhật ngày: 29/09/2018

 “Triển khai ứng dụng chọn nghề - chọn trường trên thiết bị di động là bước khởi động quá trình áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp. Tới nay, ứng dụng chọn nghề - chọn trường đã có trung bình 10.000 lượt truy cập/ngày...”.

 

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân giải thích thêm về chủ trương áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Trước đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã ra mắt cộng đồng mạng ứng dụng chọn nghề - chọn trường vào cuối tháng 6/2018.

Hơn 10.000 lượt truy cập/ngày

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau 3 tháng hoạt động, ứng dụng chọn nghề - chọn trường đã có khoảng 10.000 lượt truy cập/ngày, hơn 900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tương tác thường xuyên.…

Cũng thông qua ứng dụng “Chọn nghề - chọn trường”, người dùng có thể nối các thông tin về ngành, nghề, cơ sở đào tạo…chỉ trên vài thao tác, thay cho việc phải tra cứu thu công trên những cuốn cẩm nang có số trang tới hàng ngàn như trước đây.

 

Thứ trưởng Lê Quân
Thứ trưởng Lê Quân
 

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ mới còn cho phép doanh nghiệp kết nối nhanh nhất với nhà trường khi có nhu cầu tìm kiếm nhân lực. Nhiều nội dung về đào tạo trong ứng dụng cho phép học sinh, người lao động có thể học để tích lũy kiến thức chuẩn bị cho việc chọn ngành nghề thi tuyển và làm việc sau này.

“Ứng dụng chọn nghề trên thiết bị di động đang cung cấp nhiều thông tin giới thiệu về xu hướng nghề, công việc và mức lương khởi điểm của nghề mà người học quan tâm...” - Thứ trưởng Lê Quân lưu ý.

Nhận định về cơ hội ứng dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quân đánh giá còn khá nhiều tiềm năng.

“Công nghệ mới sẽ giúp các nhà quản lý, nhà đào tạo đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp và quản trị trường học. Tăng cường kết nối vạn vật, blockchain (công nghệ chuỗi khối), trí tuệ nhân tạo AI, mô phỏng, công nghệ ảo... qua đó mở ra cơ hội lớn để đổi mới” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Chú trọng nhiều ứng dụng công nghệ mới

Sau khi ra mắt phiên bản đầu tiên của ứng dụng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và nâng cao thêm nhiều tính năng tương tác với người dùng. "Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động cập nhật các thông tin về ngành nghề đào tạo của mình. Đây cũng là cách để tăng tính tương tác, kết nối trực tuyến với đối tượng sẽ và đang tham gia giáo dục nghề nghiệp" - Thứ trưởng Lê Quân nhận định.

Để chuẩn bị cho xu hướng ứng dụng công nghệ mới, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành danh mục các ngành nghề trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ đầu năm 2018, trong đó tập trung vào các nhóm ngành đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 như: CNTT, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, du lịch, logistic, tự động hóa...

Bên cạnh những lợi ích, Thứ trưởng Lê Quân nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra không ít thách thức đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cần sự đổi mới chương trình và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp: "Đơn cử như việc xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học...".

Dự kiến năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu việc đưa ứng dụng quản lý văn bằng trên nền áp dụng blockchain, qua đó giúp loại bỏ vai trò văn bằng giấy, tránh tình trạng bằng giả, học giả bằng thật hoặc dự báo chính xác số lượng người học tốt nghiệp từng ngành nghề trong khoảng thời gian từ 2 - 3 năm.

“Đồng thời, việc quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua quản trị dữ liệu trực tuyến sẽ đi vào thực tế hơn, bao quát toàn bộ công tác báo cáo, kiểm định chất lượng, thủ tục…” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Truy cập ứng dụng chọn nghề - chọn trường

Để sử dụng ứng dụng, người dùng vào kho ứng dụng của Google (Google Play) và Apple (Apple Store) để tải về trên thiết bị sử dụng. Khi sử dụng ứng dụng, người dừng chỉ cần nhập ngành nghề mình quan tâm (vào ô tìm kiếm nghề) sẽ có ngay các thông tin hữu ích về nghề đó như: Mô tả nghề; các nhiệm vụ chủ yếu của nghề; vị trí việc làm của nghề; các nghề liên quan tương tự...

Hoàng Mạnh/dantri.com.vn