Cập nhật ngày: 20/09/2018

 Hội giảng Nhà giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2018: Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ngay sau lễ khai mạc sáng ngày 15-9, Hội giảng nhà giáo dục nghề nghiệp toàn quốc đã chính thức bước vào tranh tài tại 16 tiểu ban với sự tham gia của gần 400 thầy, cô giáo đại diện cho các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước. Đây là hội giảng có qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Hội giảng năm nay đã đề cao yếu tố đánh giá năng lực toàn diện của nhà giáo thông qua sự chuẩn bị cả 3 bài giáo án: Lý thuyết, thực hành và tích hợp.

Bước đột phá của hội giảng năm nay

Với việc bắt buộc chuẩn bị ba giáo án về lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp nhưng mỗi nhà giáo chỉ bốc thăm trình giảng một. Hội giảng lần này thực sự là một bước đột phá trong đánh giá toàn diện năng lực của giáo viên. Theo đó, năng lực của các thầy cô phải được xem xét dưới nhiều khía cạnh như bài giảng có phù hợp với học sinh? Khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng có bảo đảm độ chính xác, khoa học gắn với thực tiễn? Trình bày có logic? Phong thái có đĩnh đạc, tự tin, ngôn từ chính xác, rõ ràng, mạch lạc, có sự chuyển tiếp hợp lý, sinh động, hấp dẫn hay không? Việc sử dụng đồ dùng, thiết bị giảng dạy có triệt để, hài hòa không? Các tình huống sư phạm có được xử lý tốt?...


Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại Lễ khai mạc Hội giảng Nhà giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2018

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như thời gian thao giảng bảo đảm khung thời gian quy định không? Các mô hình, học cụ đưa đến hội giảng có bảo đảm chất lượng, sát thực tế, có tính sư phạm, thực tiễn, thẩm mỹ hay không?Về phía các thầy cô giáo trực tiếp trình giảng tại hội giảng cũng cho rằng, đây là một cách làm hay, ở chỗ, bắt buộc giáo viên dạy nghề phải thuần thục cả lý thuyết lẫn thực hành. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt nguồn nhân lực quốc gia đi đúng hướng: Thực hành, thực nghề và thực nghiệp.

Các giám khảo đang góp ý cho bài dự thi của thí sinh

13 năm gắn bó với , Trưởng khoa Cơ khí Dương Hữu Đức Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh- giáo viên tham gia trình giảng nghề Hàn tại Hội giảng năm nay cho biết, bản thân đã tham gia rất nhiều cuộc thi cấp cơ sở và quốc gia và đạt các thứ hạng khá cao như giải nhì cuộc thi Thiết bị tự làm toàn quốc 2012; giải nhì Hội giảng Nhà giáo giáo dục tỉnh. Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ bất cứ cuộc thi nào liên quan, bởi kinh nghiệm đúc kết được qua mỗi lần trải nghiệm cùng các đồng nghiệp giúp tôi trưởng thành hơn và hoàn toàn tự tin với nghề.

Cô Lã Thị Thu, giảng viên Khoa Điện công nghiệp và dân dụng, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, Thanh Hóa cho hay, không có một sân chơi nào, cơ hội nào tốt hơn sân chơi này. Cùng một lúc, các nhà giáo tham gia hội giảng được tiếp thu và học hỏi những kinh nghiệm quý báu mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức các giáo viên mới có thể đúc kết. Do đó, được tham gia hội giảng là chúng tôi đã là thành công lớn rồi - cô Lã Thị Thu khẳng định. Cô Thu cũng là người có bề dày thành tích khá ấn tượng, khi 6 năm đứng trên bục giảng, thì 4 lần dẫn dắt học sinh tham dự kỳ thi tay nghề các cấp và lần lượt giúp các trò “giật” giải nhất, nhì, khuyến khích về tay nghề điện công nghiệp. Có lẽ, với nhiều người thì thành tích ấy đủ chứng minh năng lực, đẳng cấp của một giáo viên nghề. Tuy nhiên, với cô Thu hay nhiều thầy cô giáo khác, chừng ấy là chưa đủ, nhất là trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Gắn dạy nghề với thị trường lao động

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, Thông điệp của Hội giảng toàn quốc năm nay là Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thực tâm, thực tài, thực nghề; gương mẫu, sáng tạo, đổi mới; theo một tư duy mới, cách tiếp cận mới “dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động và xã hội cần”. Các nhà giáo trình giảng đều phải giảng dạy được cả ba loại giáo án: lý thuyết, thực hành và tích hợp, ngoài các tiêu chí đánh giá phần trình giảng, mỗi nhà giáo còn được đánh giá về tiêu chí sử dụng hiệu quả thiết bị GDNN tự làm và ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, phản ánh toàn diện năng lực dạy học của nhà giáo.

Giáo viên đang trình diễn bài giảng

Ông Trương Anh Dũng cho biết thêm,  khác với những lần trước, Hội giảng lần này các bài tham dự giảng không chỉ phong phú ở phương pháp mà còn rất đa dạng ở lĩnh vực ngành nghề đào tạo. Một số lĩnh vực lần đầu tiên có bài giảng tham gia Hội giảng như: Y tế, Văn hóa nghệ thuật... Các bài đăng ký tham gia trình giảng tại Hội giảng lần này hầu hết thuộc các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như nghề: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Quản trị Khách sạn, nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Điều dưỡng, May và Thiết kế thời trang, Lâm sinh, Trồng trọt và bảo vệ thực vật… Những nghề này có nhiều nhà giáo dự thi báo hiệu sự cạnh tranh về chất lượng giảng dạy rất quyết liệt, sôi động....

Theo Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo gồm các thầy giáo, cô giáo có trình độ, nắm vững chuyên môn và phương pháp giảng dạy được lựa chọn ở cả ba vùng, miền (Bắc, Trung, Nam) mà nòng cốt là một số chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm, giảng viên hạt nhân đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có uy tín trên toàn quốc đảm nhận. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, lần đầu tiên BTC Hội giảng sẽ tổ chức livestream các bài trình giảng và công bố công khai kết quả đánh giá bài trình giảng của nhà giáo vào cuối mỗi buổi (thay vì tổng hợp và công bố kết quả vào lúc bế mạc Hội giảng như trước kia) đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất cao không chỉ của các nhà giáo có bài trình giảng mà còn đòi hỏi tính trách nhiệm, sự tập trung rất lớn của các giám khảo và Ban tổ chức, góp phần tăng thêm sự khách quan, công bằng và minh bạch của Hội giảng.

Để làm phong phú thêm cho ngày hội của các thầy giáo, cô giáo, trong thời gian diễn ra Hội giảng sẽ có các cuộc hội thảo chuyên đề quốc tế do các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ban Tổ chức Hội giảng tổ chức: Hội thảo “Xanh hóa giáo dục nghề nghiệp”, Hội thảo “Phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện”, Hội thảo “Tăng cường năng lực nhà giáo theo chuẩn quốc tế và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và Australia”. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội giảng còn được tham quan triển lãm thiết bị đào tạo của các công ty.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân

     ‘’Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến quá trình dạy học của giáo dục nghề nghiệp. Vai trò người thầy luôn đóng vai trò quan trọng, nòng cốt đảm bảo chất lượng giáo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Sứ mệnh của người thầy trong thời đại mới có nhiều thay đổi, tuy nhiên cảm hứng và sự đam mê nghề nghiệp của người thầy thì không một thời đại nào có thể thay đổi được. Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục chắp cánh cho những đam mê nghề nghiệp đó cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao về chất lượng, tăng về số lượng. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu đổi mới , nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kết nối người học với thị trường lao động.’’