Cập nhật ngày: 19/09/2018

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2018 đang bước vào giai đoạn sôi động nhất, hàng trăm bài giảng ở các nghề dự thi đã được trình giảng một cách sinh động, lôi cuốn. Ban giám khảo cũng đã có những ngày làm việc bận rộn để có thể đưa ra kết quả khách quan nhất.

 

Thầy Nguyễn Văn Dũng trình giảng tại hội thi

Thầy Nguyễn Văn Dũng trình giảng tại hội thi

Kỳ thi không áp lực

Tại Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, các giáo viên đã thực hiện trình giảng những nghề thuộc lĩnh vực du lịch, văn hóa nghệ thuật, công nghệ ô tô, cơ khí… Trong không khí của ngày hội, các thầy cô giáo dường như không còn cảm thấy áp lực từ một cuộc thi, nhiều giáo viên rất tự tin với phần thi của mình.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, giáo viên nghề Nấu ăn, đến từ Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội vui vẻ cho biết: Tôi rất vui khi hoàn thành bài giảng theo yêu cầu đặt ra và cũng là nhiệm vụ được nhà trường tin tưởng giao phó. Bốc thăm đề thi, là bài giảng tích hợp, có tên là: Chế biến món tôm chiên sốt trứng muối. Bài giảng này nhằm giúp các HS làm quen và thực hành các kỹ năng vào bột, để tạo được lớp bột mỏng bên ngoài con tôm. Muốn làm được cần phải sử dụng cả bột ướt và bột khô, đây là những kỹ năng khó, bởi quá trình chế biến rất nhanh để bảo đảm lớp bột phủ bên ngoài phải có độ bông, tơi, mịn, màu vàng đẹp.

“Các bài giảng tại Hội giảng đều có những ưu nhược điểm nhất định. Sau khi tổng kết, Ban giám khảo sẽ có những kiến nghị về phương pháp, chương trình giảng dạy phù hợp trong các ngành nghề” - thầy Nguyễn Thế Mạnh cho biết. 

Bài giảng được chuẩn bị trong khoảng một tháng trước hội thi. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguyên vật liệu… Các thầy cô giáo trong trường cũng rất nhiệt tình cùng tham gia đóng góp nhiều ý kiến hay để hoàn thiện bài giảng. Quá trình giảng dạy tại trường, bài giảng này đã được ứng dụng rất nhiều. Tuy nhiên, qua kỳ thi này, bài giảng được trau chuốt hơn về các yếu tố như: Thời gian, kỹ năng thực hành… để HS có thể lĩnh hội những kiến thức chuyên môn một cách tốt nhất.

“Phương pháp giảng tích hợp giúp HS dễ hiểu, nhớ bài, tiếp thu được nhiều kiến thức hơn so với những phương pháp giảng dạy trước đây. Khi kết hợp được cả phần lý thuyết và thực hành, các em HS sẽ cảm nhận được từng kỹ năng cụ thể trong từng giai đoạn chế biến món ăn” - thầy Dũng chia sẻ.

Sự khác biệt về chất lượng

Từng tham dự nhiều hội giảng giáo viên dạy nghề trước đây, và kỳ Hội giảng GDNN năm nay, thầy Nguyễn Thế Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật Nam Định - Phó Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hội giảng - đánh giá: Các bài thi cho thấy, công tác chuẩn bị của giáo viên và các cơ sở GDNN rất chu đáo, đầy đủ. Trong các bài trình giảng, giáo viên đã thể hiện rất rõ năng lực sư phạm của mình. Về nội dung chuyên môn, một số nghề có tính đặc thù, chủ yếu là các bài giảng của các trường văn hóa nghệ thuật. Giáo viên đã thiết kế các bài giảng đặc trưng, không chỉ phù hợp với tổ chức của bài giảng dạy trên lớp mà còn phổ biến văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội.

Hội giảng nhà giáo GDNN năm 2018 có số lượng tham gia đông nhất từ trước đến nay. Ban giám khảo của các tiểu ban đã tập trung nghiên cứu kỹ các hồ sơ, để đánh giá bài trình giảng theo đúng các tiêu chí của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), cùng trao đổi với các giáo viên cách thiết kế bài giảng hiệu quả hơn. Các giáo viên trước đây thuộc các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp, do có nền tảng về phương pháp sư phạm nên đã tiếp cận rất nhanh với GDNN, đặc biệt trong phương pháp giảng dạy tích hợp.

Chất lượng giáo viên đã có những bước tiến lớn. Do kỳ Hội giảng năm nay đánh giá toàn diện về cả ba phương pháp giảng dạy là lý thuyết, thực hành và tích hợp. Giáo viên đã thể hiện được tất cả năng lực sư phạm chuyên môn của mình. Đây là những khác biệt so với những hội giảng trước và cũng là điểm mới tại kỳ Hội giảng này.

Anh Quang