Cập nhật ngày: 13/09/2018

 

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Tọa đàm  “Đào tạo thường xuyên; đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh đi làm việc tại Nhật Bản”,  Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng - Chủ trì Tọa đàm; tọa đàm với sự tham gia của gần 100 đại biểu là đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo Hiệp hội xuất khẩu lao động; các Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và một số cán bộ lãnh đạo các đơn vị của Trường Cao đẳng Y tế, trung cấp y tế trong cả nước; các Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, phó giám đốc và các cán bộ của 13 doanh nghiệp đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản và một số cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương.

 

 

 

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc tọa đàm

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng khẳng định, đào tạo thường xuyên đã được luật hóa trong Luật giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo thường xuyên được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, dưới sự tác động cách mạng công nghệ 4.0, thì yêu cầu về đào tạo, cập nhật liên tục về kiến thức kỹ năng, việc mở ra những ngành nghề mới, đòi hỏi những kỹ năng kiến thức mới, càng đặt vị trí vai trò của đào tạo thường xuyên là rất quan trọng. Khi mà khoa học công nghệ thay đổi, ngành nghề cũ mất đi, thì các ngành nghề mới sẽ ra đời, đây là điều kiện tất yếu trong cuộc sống. Ngành, nghề “Chăm sóc người già, người bệnh” đặt ra tại buổi Tọa đàm cũng là một nghề mới trong thời gian gần đây, nhưng chưa có chức danh chính thức trong hệ thống vị trí việc làm, chức danh của ngành y tế ở Việt Nam.

Phó Tổng Cục trưởng khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành 02 Thông tư hướng dẫn hình thức đào tạo thường xuyên (Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 quy định về đào tạo thường xuyên; 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017  quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học). Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thể chế hóa quy định thêm một số hình thức đào tạo như “Đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, đào tạo online…”, nhưng đây là vấn đề vẫn còn rất nhiều tranh cãi; ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để triển khai tốt việc đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động của Nhật Bản, Đức, Đài Loan và các nước khác. 

Toàn cảnh Tọa đàm

Trong buổi Tọa đàm, đã nghe các bài tham luận của Vụ Đào tạo thường xuyên- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế; Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH

Tọa đàm đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào việc thực hiện đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh và đào tạo thường xuyên, những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh và đào tạo thường xuyên.

Đại biểu phát biểu trong buổi Tọa đàm 

 

 

 Kết luận Tọa đàm, Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên đánh giá cao sự tham gia đông đủ của các quý vị đại biểu, sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo trong ngành y, của các doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh nói riêng. Trong thời gian tới phải triển khai các nhiệm vụ như: (1) Thể chế hóa quy định hình thức đào tạo như “Đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, đào tạo online…” trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; (2) Phải xây dựng Đề án để triển khai chương trình này; (3)  có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chương trình đào tạo trình độ sơ cấp trong nghành y tế; (4) Cần có sự kết nối, gắng kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sau đào tạo; (5) Rà soát các quy định ưu đãi các doanh nghiệp khi tham gia giáo dục nghề nghiệp như ưu đãi thuế, thuê đất, phối hợp… tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia./.

 

TCGDNN