Cập nhật ngày: 10/09/2018

 Chiều ngày 10/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018. Tham dự cuộc họp có ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng, đại diện lãnh đạo Vụ, đơn vị: Nhà giáo, Văn phòng thuộc Tổng cục; bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội giảng, lãnh đạo các đơn vị đăng cai tổ chức Hội giảng và phóng viên, báo chí của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng phát biểu tại cuộc họp

          Tại cuộc họp, ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó Trưởng ban thường trực đã thông báo một số nội dung chính về Hội giảng nhà giáo. Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 thu hút 56 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia với số lượng nhà giáo tham dự có bài thi là 373 nhà giáo thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước (số nhà giáo nữ là 170 người, chiếm 45,57%). Đoàn Thành phố Hà Nội có số bài giảng nhiều nhất với 29 bài, tiếp theo là Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh với 23 bài giảng. Nhà giáo trẻ tuổi nhất tham dự có bài thi sinh năm 1993 (25 tuổi) và nhà giáo lớn tuổi nhất tham dự có bài thi sinh năm 1970 (48 tuổi). Tổng số nghề đăng ký thi tại Hội giảng năm nay là 90 nghề, chia theo 16 tiểu ban. Trong đó hai tiểu ban có số nhà giáo đăng ký thi nhiều nhất là các tiểu ban: Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng (có 28 nhà giáo dự thi ở 15 nghề); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (có 27 nhà giáo dự thi ở 11 nghề). Tiểu ban có số lượng nhà giáo đăng ký thi ít nhất là tiểu ban May và thiết kế thời trang với 19 nhà giáo thi ở 03 nghề.

 

 

Ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó Trưởng ban thường trực Hội giảng thông tin về một số nội dung chính về Hội giảng

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 có một số điểm mới như: Hội giảng không giới hạn số nghề đăng ký dự thi; nhà giáo tham gia Hội giảng chỉ thực hiện trình giảng, không kiểm tra nhận thức và xử lý tình huống sư phạm; các bài trình giảng tại Hội giảng bao gồm bài giảng lý thuyết, bài giảng thực hành và bài giảng tích hợp; mỗi nhà giáo tham gia Hội giảng phải chuẩn bị 03 bài giảng (01 bài giảng lý thuyết, 01 bài giảng thực hành, 01 bài giảng tích hợp), sau đó sẽ bốc thăm và chọn 01 trong 03 bài giảng làm bài thi chính thức tại Hội giảng; việc đánh giá bài giảng được thực hiện ngay sau khi nhà giáo hoàn thành phần trình giảng,...

Hội giảng lần này dự kiến có gần 1.700 thầy, cô giáo, lãnh đạo của các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về dự để cổ vũ, động viên và học tập kinh nghiệm. Bên cạnh hoạt động trình giảng, Hội giảng nhà giáo năm nay còn diễn ra với nhiều Hội thảo chuyên đề.

 

 

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội giảng thông tin về công tác chuẩn bị cho Hội giảng

Thông tin về một số hoạt động chuẩn bị của địa phương cho Hội giảng nhà giáo, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, công tác triển khai tổ chức Hội giảng được chuẩn bị chu đáo, Thành phố Hà Nội đã huy động được các sở, ban, ngành tham gia theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Từ việc chỉ đạo chuẩn bị tốt mọi điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất nơi diễn ra Hội giảng đến việc giới thiệu các khách sạn, các điểm du lịch, kế hoạch đón tiếp các đoàn, bố trí đưa đón các đoàn tham gia Hội giảng,...

 

Ông Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, đại diện cho đơn vị đăng cai Hội giảng phát biểu tại cuộc họp

Thay mặt hai đơn vị đăng cai tổ chức cho Hội giảng, ông Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội chia sẻ, khi được giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội giảng, nhà trường coi đây là niềm vinh dự to lớn và cũng là trọng trách. Hội giảng năm nay với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, từ số lượng đông đảo nhà giáo tham dự, số nghề thi đến yêu cầu về cơ sở vật chất trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác phục vụ Hội giảng. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Ban tổ chức Hội giảng, tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh nhà trường đã quyết tâm, huy động mọi nguồn lực cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho Hội giảng nhà giáo.

 

 

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng đang trong quá trình đổi mới, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó hoạt động Hội giảng nhà giáo. Đây là một nhiệm vụ chuyên môn rất cao đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Từ đó góp phần đổi mới phương pháp dạy học, phát huy sức sáng tạo trong sử dụng đồ dùng dạy học, nâng cao năng lực sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là dịp để đội ngũ nhà giáo giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt đây là Hội giảng lần đầu tiên sau khi thống nhất hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, thông điệp của Hội giảng năm nay là đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cảm ơn sự quan tâm tham dự của các cơ quan báo chí, truyền thông hôm nay.

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 21/9/2018, Lễ khai mạc Hội giảng điễn ra vào ngày 15/9/2018 và Bế mạc Hội giảng vào ngày 21/9/2018.

                                                                                                  VP TCGDNN