Cập nhật ngày: 09/09/2018

 Trong khi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đang được sửa đổi và hướng tới thúc đẩy tự chủ thì đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tự chủ cũng chính là “chìa khóa” đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng lao động. Tọa đàm về “Định hướng cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức sáng 7.9, tại Hà Nội, một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này.

Bức tranh hiện thực

Việt Nam có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), 2/3 trong đó là công lập, đào tạo khoảng 2 triệu người học dưới sự quản lý của các bộ, ngành, địa phương và khu vực tư nhân trên toàn quốc. Lực lượng này đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, thực tế vẫn “ngồn ngộn” những vấn đề cần giải quyết.Cơ cấu việc làm và nghề nghiệp cho thấy, lao động Việt Nam tập trung ở những việc làm có mức thu nhập thấp hơn bình quân, số giờ làm nhiều, không cố định, không có chế độ phúc lợi xã hội. Phần lớn việc làm nằm ở các ngành sản xuất, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp, tới 76% lao động làm việc tại các hộ nông nghiệp, hộ kinh doanh hay là lao động không hợp đồng. Từ 2011- 2015, số việc làm bán chuyên môn tăng 40%, tuy nhiên vẫn có tới gần 75% việc làm sản xuất nằm ở khâu lắp ráp (công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị), có tới một nửa số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ nằm ở khâu bán lẻ.


Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Tọa đàm 

“Bức tranh” học vấn của dân số chỉ ra Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền kinh tế tri thức. Tầng lớp trẻ dù được quốc tế công nhận về điểm thi bậc trung học sánh ngang với học sinh ở châu Âu nhưng phần lớn lực lượng lao động nhiều nhất vẫn chỉ có trình độ trung học và kỹ năng hạn chế. Tình trạng thiếu kỹ năng sẽ còn gia tăng khi các xu hướng lớn bắt đầu có ảnh hưởng đến việc làm. Theo một số khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam năm 2015, hơn 20% doanh nghiệp cho rằng “trình độ học vấn” của lực lượng lao động là một cản trở đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Tình thế đặt Việt Nam phải soi chiếu thực trạng giáo dục, đặc biệt là GDNN cũng như đưa ra giải pháp để thích ứng với điều kiện mới. Điều này được xác định không chỉ là yếu tố khách quan mà còn là đòi hỏi sống còn trong xu hướng hội nhập toàn cầu.

“Chìa khóa” tự chủ

 Tâm lý e ngại khi triển khai tự chủ đồng hành với vấn đề cắt giảm ngân sách đang rất lớn, tạo nên sức ì khiến không ai muốn thay đổi. Vậy làm thế nào để các cơ sở GDNN cũng như người học và xã hội thấy được mặt tích cực, ưu việt của tự chủ trong GDNN? Học hỏi kinh nghiệm quốc tế như thế nào, tìm ra sự khác biệt giữa tự chủ đại học với tự chủ GDNN là gì? Việc nhận thức rõ thuận lợi và rào cản, thách thức của hệ thống GDNN khi tham gia vào quá trình tự chủ… là điều đang đặt ra.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng

Trong khi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học đang được tiến hành bổ sung, sửa đổi, hướng tới một trong các nội dung là thúc đẩy tự chủ thì đối với các cơ sở GDNN, tự chủ cũng chính là chìa khóa đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng lao động. Tọa đàm về định hướng cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức sáng 7.9 tại Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này. Tại tọa đàm, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra hạn chế của hệ thống GDNN của Việt Nam và vướng mắc khi thực hiện tự chủ của các cơ sở GDNN.

Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở GDNN công lập đang được soạn thảo, quy định tự chủ theo 4 khía cạnh: Hoạt động, tổ chức, nhân sự và tài chính. Nhiều ý kiến băn khoăn, dự thảo khó đạt được mục tiêu vì chưa có mức độ tự chủ trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, sự hợp tác với doanh nghiệp còn ở mức hạn chế. Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới - Pablo Ariel Acosta phân tích tính phân tán trong hệ thống GDNN: Khung trình độ quốc gia hiện nay đã được áp dụng với 8 cấp, kèm theo 5 cấp với 3 chứng chỉ trình độ GDNN nhưng vẫn ít được các nhà tuyển dụng coi trọng. Sự gắn kết giữa giáo dục đại học và giáo dục hướng nghiệp cũng chưa cao. Kể từ năm 2015, mới chỉ có một loại hình GDNN duy nhất ở cấp cao đẳng và trung cấp, trong khi các trường đại học và trường cao đẳng nghề có cách tiếp cận khác nhau về xác định chuẩn năng lực đầu ra (tiếp cận theo ngành kinh tế và tiếp cận theo ngành nghề). Thiếu gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động về nội dung, sự phù hợp với nhu cầu thị trường. Một loạt các yếu tố khác về năng lực tài chính và ngân sách cấp cho các trường nghề, phạm vi tự chủ, quyền lợi khi tự chủ và trách nhiệm giải trình… cũng khiến các cơ sở chịu áp lực không nhỏ.


Ông Pablo Ariel Acosta, Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng thế giới phát biểu tại Tọa đàm 

Dẫn chứng tại trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên với e ngại về cách thức tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của khu vực tư nhân, để doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, xây dựng chương trình, tài chính cho hoạt động… Điều phối Chương trình Phát triển con người, giới, việc làm, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Keiko Inoue nhận định: Đó cũng là điều cần cân nhắc khi xây dựng cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN. Cần tìm ra “điểm giữa”, nghĩa là vừa bắt kịp xu hướng cải cách của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tự chủ là tầm nhìn quan trọng nhưng tự chủ không chỉ liên quan đến tài chính, không phải là cắt giảm ngân sách, đẩy gánh nặng lên vai các cơ sở khi họ chưa sẵn sàng.



Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển biến kinh tế đất nước

Rõ ràng, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN cần nhiều yếu tố mà tự chủ là tiền đề. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, từ nghị định quy định cơ chế tự chủ tạo ra điều kiện pháp lý thúc đẩy thực hiện thành công tự chủ. “Giải pháp đột phá hướng tới là chuyển đổi cơ chế hoạt động của cơ sở GDNN công lập từ hành chính bị động sang cơ chế năng động, chủ động, linh hoạt. Cơ chế tài chính từ cấp phát, dự toán bình quân, quản lý theo đầu vào sang quản lý theo kết quả, đầu ra”, ông Trương Anh Dũng nói.

Bà Khương Thị Nhàn, Giám đốc – Ban Quản lý các Dự án vốn Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Bà Keiko Inoue, Điều phối chương trình, Phát triển con người, Giới, Việc làm, Ngân hàng thế giới phát biểu tại Tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

 

Thái Minh/daibieunhandan.vn