Cập nhật ngày: 07/09/2018

 Ngày 06/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Lợi ích các bên khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp”. Tham dự Hội thảo, về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng, TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng. đại diện một số Vụ, đơn vị của Tổng cục; về phía Úc có bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục và Khoa học, ông Stephen Marks - Chủ tịch Hội đồng học viện Chisholm, ông Rick Ede - Tổng Giám đốc điều hành Học viện Chisholm, chuyên gia Noel Lyons của Chisholm. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Cục Việc làm, Cục quản lý Lao động ngoài nước, Cục quản lý Lao động và tiền lương, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Công ty TNHH Vinpearl – Vingroup, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức – GIZ, đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý của 25 trường tham gia đào tạo thí điểm 12 nghề chuyển giao từ Úc và phóng viên của một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển, từng bước khắc phục được những hạn chế, yếu kém và dần tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Để phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, đề án, trong đó có đã trình Chính phủ đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Một trong những mục tiêu của đề án là đến năm 2020 định hướng đến 2030, chúng ta phải có một lĩnh vực, ngành nghề tiếp cận được tiêu chuẩn khu vực ASEAN và thế giới. Tổng Cục trưởng nhấn mạnh giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã tăng cường hợp tác với nhiều nước trong khu vực và thế giới, trong đó hợp tác với Úc là hợp tác chiến lược. Hội thảo được tổ chức ngày hôm nay về lợi ích của các bên khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm gắn kết nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hội thảo sẽ được các chuyên gia Úc chia sẻ những ý kiến và kinh nghiệm về hợp tác ba bên nhà nước – nhà trường - doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục và Khoa học Úc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội cho rằng giáo dục nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tăng sức cạnh tranh cho quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam hiện nay cũng đang gặp phải nhiều thách thức, trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Bà Joanna Wood tin tưởng rằng chính những thách thức này sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội để hợp tác và phát triển. Mối quan hệ hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia đã không ngừng phát triển và được đẩy mạnh trong thời gian qua, thể hiện qua nhiều hoạt động phối hợp triển khai của hai nước. Bà Bà Joanna Wood mong rằng Hội thảo ngày hôm nay sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu về phát triển mối quan hệ ba bên nhà nước – nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Stephen Marks - Chủ tịch Hội đồng học viện Chisholm đã trình bày khái quát về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động, hợp tác của học viện Chisholm. Ông Rick Ede - Tổng Giám đốc điều hành Học viện Chisholm đã trình bày tham luận về xây dựng quan hệ đối tác thành công để đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề của doanh nghiệp hiện tại và tương lai. Chuyên gia Noel Lyons đã trình bày tham luận về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.

Ông Stephen Marks - Chủ tịch Hội đồng học viện Chisholm trình bày tại Hội thảo

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để nghe các chuyên gia từ Úc, đại diện các trường, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ ý kiến về mối quan hệ hợp tác ba bên nhà nước – cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Về việc thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ông Rick Ede - Tổng Giám đốc điều hành Học viện Chisholm cho rằng mỗi một doanh nghiệp có văn hóa, chiến lược và kế hoạch kinh doanh riêng, vì vậy việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, đối thoại lâu dài để hiểu rõ những thách thức của các bên trong mối quan hệ hợp tác là việc đầu tiên cần làm. Mối quan hệ hợp tác còn phụ thuộc vào cơ hội của việc hợp tác và cơ chế, chính sách cũng như môi trường pháp lý. Ở Úc, trong một thời gian dài mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã gặp phải nhiều khó khăn, tuy nhiên Chính phủ đã có những khoản tài trợ để giúp cho cơ chế hợp tác và đối thoại giữa nhà trường và doanh nghiệp được hình thành và phát triển lâu dài, vấn đề là ở chỗ phải làm doanh nghiệp thấy được minh chứng cụ thể về hiệu quả của hợp tác và doanh nghiệp chịu ít rủi ro khi tham gia hợp tác đào tạo.

Chuyên gia Noel Lyons chia sẻ thêm, ngoài khung chương trình đào tạo, trình độ của đội ngũ giảng viên cũng cần được cải thiện về kiến thức, kỹ năng và khả năng nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Stephen Marks - Chủ tịch Hội đồng học viện Chisholm cho rằng ngoài những nội dung về quản lý, vấn đề tài chính đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp Úc khá quan ngại khi phải đầu tư khoản kinh phí khi tham gia hợp tác đào tạo trong khi người học sau tốt nghiệp chưa hẳn gắn bó phục vụ lâu dài cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hải - quản lý dự án tạo nguồn nhân lực phía Bắc công ty TNHH Vinpearl – Vingroup cho biết, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có chất lượng. Doanh nghiệp luôn có sự đánh giá để xác định yêu cầu đòi hỏi đối với nguồn nhân lực cần tuyển dụng. Vì vậy doanh nghiệp đã chủ động tham gia hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đó của doanh nghiệp. Nội dung hợp tác từ việc xây dựng chương trình đào tạo đến triển khai đào tạo, đánh giá người học. Doanh nghiệp cho rằng việc đánh giá người học trong quá trình hợp tác đào tạo vô cùng quan trọng vì doanh nghiệp luôn quan tâm đến nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức nhiều Hội thảo về hợp tác nhà trường và doanh nghiệp thời gian qua là rất tốt để làm thay đổi về suy nghĩ và hành động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc hợp tác với doanh nghiệp. Hiện nay tại Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và hợp tác tốt với doanh nghiệp trong đào tạo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải coi  hợp tác đào tạo với doanh nghiệp là ưu tiên số một và là nhiệm vụ sống còn để phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Bên cạnh các nội dung chuẩn hóa, nâng cao tính tự chủ, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện. Phó Tổng Cục trưởng mong rằng phía Úc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện có chất lượng việc đào tạo thí điểm 12 nghề chuyển giao từ Úc, cải thiện năng lực xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp. Mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có hiệu quả và bền lâu hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phó Tổng Cục trưởng đánh giá cao sự phối hợp của Đại sứ quán Úc tại Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các hoạt động trong nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước trong thời gian qua.

                                                                                                          VP TCGDNN