Cập nhật ngày: 31/08/2018

 Ngày 30/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; về phía Bộ Tư pháp có ông Uông Ngọc Thuẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp và cán bộ, chuyên viên của Vụ. Về dự Hội thảo còn có đại diện một số Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, cán bộ giảng viên giảng dạy về giáo dục pháp luật một số trường cao đẳng, trung cấp.

Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác giảng dạy và học tập pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất các mô hình, giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, tuân thủ và chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tại Hội thảo, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Quản lý công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ Phổ biến pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày báo cáo tổng quan về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông Vũ Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình bày báo cáo thực trạng và giải pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Ông Uông Ngọc Thuẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp (ảnh trái) và ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (ảnh phải) chủ trì Hội thảo

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, trao đổi về các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Phạm Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên và đây là hoạt động xuyên suốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào làm tốt công tác này thì sẽ hình thành ý thức chấp hành pháp luật tốt cho học sinh, sinh viên và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt kết quả, cần thực hiện tốt từ khâu phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy về giáo dục pháp luật theo hướng chuẩn hóa và có cơ chế chính sách cho đội ngũ này.

Ông Võ Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới cho rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật rất quan trọng trong nhà trường. Hiện nay, hoạt động giáo dục pháp luật được đẩy mạnh trong toàn xã hội nói chung, trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nhận thức của học sinh, sinh viên cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế, biểu hiện ở những hành vi vi phạm pháp luật vẫn xảy ra trong học sinh, sinh viên. Như vậy, cần tăng cường các giải pháp để phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần coi trọng vấn đề đạo đức học sinh, sinh viên và xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên về giáo dục pháp luật theo hướng chuẩn hóa.

Ông Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng cần nghiên cứu kỹ mục tiêu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tính đặc thù nên cần chú trọng vào giáo dục pháp luật để làm sao các em ra trường tham gia thị trường lao động có tính thích ứng cao, tôn trọng pháp luật, nội quy, quy định cơ quan nơi làm việc, có ý thức và đạo đức nghề nghiệp. Về giảng dạy giáo dục pháp luật, cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và nên để các trưởng chủ động, tự chủ trong thực hiện chương trình môn học này.

Ông Nguyễn Minh Đồng, Phó Trưởng Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khả năng thích ứng với đời sống xã hội đối với học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Vì vậy bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cần trang bị cho các em nhiều kiến thức khác gắn với thực tiễn xã hội, trong đó có kiến thức về pháp luật, ý thức thực thi pháp luật.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh đánh giá cao sự phối hợp của Vụ Phổ biến pháp luật, Bộ Tư pháp để tổ chức Hội thảo hôm nay và cho biết, hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý trước khi trình Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành môn giáo dục pháp luật thuộc các môn chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Phó Tổng Cục trưởng cho rằng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần được thực hiện gắn với thực tiễn nghề nghiệp, vì vậy cần đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành nghề đào tạo.                                                                                                        

                                                                                                          VP TCGDNN