Cập nhật ngày: 23/08/2018

 Ngày 22/08/2018 tại Đồng Nai, Bosch cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Directorate of Vocational Education and Training - DVET), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit – GIZ) và Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác công - tư về việc “Lồng ghép các yêu cầu của Công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp”.

Thỏa thuận nhằm mục tiêu tạo nên sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các bên liên quan trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao nhằm nghiên cứu và thực nghiệm những điều chỉnh trong các chương trình đào tạo kỹ thuật, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng số, góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

.
.

Chương trình là một trong những hoạt động hợp tác phát triển song phương Việt – Đức trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Quá trình hợp tác kéo dài trong 3 năm với tổng đầu tư hơn 400.000 Euro. Trong đó, Bosch đóng góp tương đương hơn 200.000 Euro qua việc lắp đặt phòng thực hành cùng thiết bị đạt chuẩn Công nghiệp 4.0 tại LILAMA2, tham gia  phân tích nhu cầu về kỹ năng tương thích với Công nghiệp 4.0 và hỗ trợ LILAMA 2 điều chỉnh các chương trình đào tạo,v.v. GIZ đóng góp tương đương 200.000 Euro cho dự án này qua việc hỗ trợ các đối tác điều phối hoạt động, tổ chức các hội thảo chuyên sâu, cung cấp các hoạt động đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, đánh giá hiệu quả đề án,v.v. Dự án sẽ được triển khai tại LILAMA2, sau đó sẽ nhân rộng tại các cơ sở đào tạo nghề dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.

Ông Guru Mallikarjuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết: “Nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cao tại Việt Nam ngày một tăng cao, chúng tôi tin rằng dự án hợp tác này sẽ là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao trình độ và hỗ trợ người lao động tạo lợi thế cạnh tranh”.

Cũng tại buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ, Tiến sĩ Jürgen Hartwig – Giám đốc chương trình, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) – phát biểu: “Trong lần hợp tác này, GIZ sẽ hỗ trợ các đối tác về việc điều chỉnh đề xuất đào tạo nghề theo yêu cầu Công nghiệp 4.0. Bosch, công ty hàng đầu về Internet vạn vật ( IoT), là một đối tác lý tưởng giúp phát triển chương trình đào tạo theo hướng cập nhật nhất nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hóa”.

Các bên đồng thuận hợp tác chặt chẽ với nhau trên bốn lĩnh vực mang tính cốt lõi trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm:

Nâng cao nhận thức thông qua chương trình hội nghị chuyên sâu về kết quả của Công nghiệp 4.0 trong việc đào tạo và phát triển nghề.

Phân tích nhu cầu: tập hợp các chương trình đào tạo thực tiễn tốt nhất liên quan đến công nghiệp 4.0, phân tích nhu cầu và chuẩn bị điều chỉnh cho các chương trình đào tạo tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2.

Phát triển và thử nghiệm các mô hình công nghiệp 4.0, trong đó bao gồm  việc đào tạo, nhân rộng hạt giống đào tạo là đội ngũ giảng viên cũng như doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Đánh giá kết quả: đánh giá tính hiệu quả của dự án thử nghiệm, tích hợp mô hình đào tạo tương tự tại các cơ sở đào tạo nghề, đóng góp sáng kiến cho Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp về việc đào tạo.

“Các học viên khi tham gia chương trình đào đạo theo giáo trình hiện đại hóa tại LILAMA 2 sẽ được tiếp thu kiến thức về lý thuyết cũng như những kỹ năng thực hành dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất, do đó nâng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Những kỹ năng này không chỉ được đòi hỏi bởi các công ty nước ngoài mà còn bởi các công ty Việt Nam, những nơi đang dần chuyển đổi quy trình và dịch vụ để phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0”, đại diện LILAMA 2 – Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng, khằng định.

 

Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: “Dự án thử nghiệm này vô cùng quan trọng với chúng tôi vì mô hình này có thể nhân rộng sang các trung tâm đào đạo nghề khác trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi có thể sử dụng các đề xuất cho việc tích hợp những chủ đề liên quan đến Công nghiệp 4.0 vào khung pháp lý ở cấp hệ thống.”

TCGDNN