Cập nhật ngày: 10/08/2018

 Sáng ngày 10/8/2018, tại thành phố Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp. Dự và chủ trì Hội thảo có ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tham dự Hội thảo có đông đủ đại diện các Sở, ngành của tỉnh, các cơ sở GDNN và đại diện các doanh nghiệp có hoạt động gắn kết với cơ sở GDNN.

Ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đề dẫn tại Hội thảo, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kính tế xã hội, trong đó, nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Với yêu cầu như vậy, nhưng thực tế các doanh nghiệp lại chưa chủ động liên hệ, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo. Nguyên nhân cuả tình trạng này một phần do đã thiếu chế tài cụ thể trong hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo. Hành lang pháp lý về lợi ích của doanh nghiệp trong hoạt động gắn kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phó Chủ tịch Phạm Đăng Quyền nêu rõ mục đích của Hội thảo cần phải chỉ ra được các giải pháp để việc gắn kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó để tỉnh có nguồn nhân lực tốt phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Chủ trì Hội thảo

Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay trên địa bàn có 89 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 29 trung tâm GDNN-GDTX và 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo được cấp là 59.106 người. Trong giai đoạn 2012-2017, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 220.450 người (trong đó trình độ cao đẳng là 6.738 người, trung cấp là 27.061 người). Với quy mô đào tạo và thực tế hoạt động trong thời gian qua, nhìn chung công tác dạy nghề đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu thị trường lao động, gắn với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Đã có chuyển biến tích cực của người lao động về học nghề. Số học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng, kỹ năng nghề được nâng cao cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thị trườngng lao động của tỉnh, nhất là trình độ CĐ, TC với nhóm nghề kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, công nghệ ô tô, cơ khí, điện, du lịch, khách sạn,… Ông Trịnh Ngọc Dũng cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đó là: đa số các hoạt động doanh nghiệp chưa thực hiện cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm; các doanh nghiệp chưa chủ động liên kết phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo. Một số ngành nghề doanh nghiệp cần tuyể ndụng nhưng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo như công nghệ dầu khí và khai thác, lọc hóa dầu… Để khắc phục những tồn tại, theo Ông Trịnh Ngọc Dũng cần có sự hợp tác gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp về các nội dung: xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật tham gia giảng dạy và hỗ trợ thực tập, thực hành trên máy móc, thiết bị sản xuất của doanh nghiệp. Hợp tác cho học sinh, sinh viên vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo…

Toàn cảnh Hội thảo

 

 

Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung vào nội dung thực tế hoạt động hiện trạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo, đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nêu lên mong muốn được hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo thực hành, cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cần phải được hoàn thiện hơn, trong đó có chính sách thuế, chính sách tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các ý kiến cũng khẳng định sự cần thiết phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng phải phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề để tránh tình trạng đào tạo không đúng cơ cấu nhu cầu nguồn nhân lực dẫn tới người học khi học xong lại không có việc làm theo đúng nghề đào tạo. Yêu cầu đối với người lao động sau khi được đào tạo phải có tốt 3 kỹ năng là kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tin học.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu rõ chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển, hội nhập. Đào tạo nguồn nhân lực luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, trong 10 nhóm giải pháp đưa ra, thì giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp trọng tâm. Thực tế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã thực hiện ký kết với nhiều tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn với VCCI để tạo hành lang cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết trong tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng, gắn kết Doanh nghiệp với Giáo dục nghề nghiệp cũng chính là điều kiện để đảm bảo, nâng cao chất lượng của các cơ sở GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về phía Tổng cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ LĐTBXH, Chính phủ để xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, cơ sở GDNN trong hợp tác, gắn kết và cũng đi đôi với lợi ích của nhà nước. Bộ LĐTBXH đã thành lập Tổ công tác gắn kết GDNN với Doanh nghiệp, đây chính là thể hiện quyết tâm của Bộ và Tổng cục trong hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động. Bộ LĐTBXH, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động GDNN nói chung và hoạt động gắn kết với Doanh nghiệp nói riêng để nâng cao nhận thức của xã hội, của Doanh nghiệp với GDNN, từ đó để doanh nghiệp quan tâm hơn và gắn kết chặt chẽ với GDNN.

Tại Hội thảo, các Doanh nghiệp và các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác giữa Doanh nghiệp và các cơ sở GDNN:

Trường CĐN Công nghiệp ký thỏa thuận hợp tác với Công CP cơ khí và xây lắp Sông Chu

Trường CĐN Nghi Sơn ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty may xuất khẩu Tiên Sơn

Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công thương ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư và Xây dựng thương mại Anh Phát

Trường Cao đẳng Y Tế Thanh Hóa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long

 

VPTCGDNN