Cập nhật ngày: 19/07/2018

 

 Chiều ngày 18/7, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân có buổi tiếp và làm việc với ông Dato Sri Idris Jala – Tổng giám đốc công ty PEMANDU, Ma-lay-xia nhân chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 18-19/7/2018 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm về nội dung thực hiện cải cách ngay từ trung tâm Chính phủ.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Ma-lay-xia trong việc cải cách, nâng cao hiệu quả cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực An sinh xã hội và Giáo dục nghề nghiệp với Thứ trưởng Lê Quân, ông Jala cho biết, mô hình kinh tế mới được đặt ra với mục tiêu biến Ma-lay-xia thành quốc gia có nền kinh tế thu nhập cao một cách toàn diện và bền bững, đi cùng cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020, Ma-lay-xia cần củng cố các kỹ năng và nâng cao khả năng cạnh tranh của bộ phận lao động chủ chốt trong nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực trình độ cao Ma-lay-xia chiếm 27%, mục tiêu đến năm 2020 sẽ là 35%.

Quang cảnh buổi làm việc

“Để đạt được mục tiêu, 4 lĩnh vực trọng tâm về Phát triển nguồn vốn nhân lực được nhấn mạnh trong kế hoạch lần thứ 11 của Ma-lay-xia là: Nâng cao hiệu quả thị trường lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Chuyển đổi TVET để đáp ứng nhu cầu của ngành; Tăng cường học tập lâu dài để nâng cao kỹ năng; Nâng cao chất lượng giáo dục để cải thiện chất lượng đầu ra của sinh viên và thành tích của cơ sở đào tạo” – ông Jala nói.

Ông Dato Sri Idris Jala (ngồi giữa) là người đứng sau thành công kinh tế - xã hội của Ma-lay-xia theo hướng tiến tới nước thu nhập cao vào năm 2020 trong Chương trình cải cách quốc gia Ma-lay-xia 2009-2017.

Theo ông, tại Ma-lay-xia, Trung tâm nghiên cứu và thông tin thị trường lao động (ILMIA) có mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp các thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường lao động, là công cụ ra quyết định quan trọng cho các doanh nghiệp, người lao động, các bên khác như lao động nước ngoài, các nhà nghiên cứu... Các dữ liệu của ILMIA sẽ hỗ trợ việc phân tích các kỹ năng mới mà thị trường yêu cầu. Bên cạnh đó, Ủy ban Kỹ năng Trọng yếu cũng tiến hành các phân tích số liệu thống kê trên cả nước để giải quyết vấn đề mất cân bằng về trình độ trong lực lượng lao động – sau đó phổ biến kết quả nghiên cứu rộng rãi.

Về chính phủ điện tử, ông Jala cho biết Ma-lay-xia đã vận dụng khá tốt nền tảng chính phủ điện tử để tăng hiệu quả của thị trường lao động. Để giải quyết vấn đề thất nghiệp, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tác động tới thị trường lao động. Với phương thức truyền thống thì người lao động mất việc sẽ đăng ký và có công việc trở lại mà không có sự giám sát. Nhưng, với phương thức cải tiến, người lao động mất việc sẽ được đăng ký hỗ trợ việc làm, sau đó được đánh giá mức độ sẵn sàng làm việc và mức độ phù hợp công việc của người lao động. Tiếp đó, Chương trình hỗ trợ việc làm sẽ trích tiền từ Quỹ hỗ trợ hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, đồng thời họ được đào tạo lại. Sau khi được đào tạo lại, người lao động sẽ tiếp tục được tuyển dụng và được theo dõi.

Liên quan đến lĩnh vực đào tạo dạy nghề, ông Jala cho rằng, mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và Chính phủ luôn là yếu tố quan trọng giúp kinh tế phát triển. Với hệ thống đào tạo dạy nghề tốt, hỗ trợ kết nối và cơ cấu giữa các ngành, Ma-lay-xia đã đưa ra một đề xuất giá trị khá cạnh tranh. Các tổ chức tích cực sẽ tham gia vào chương trình đào tạo và dạy nghề kép. Cơ cấu Chương trình đào tạo nghề sẽ là 70% gắn liền với công việc (thực tiễn) và 30% trên lớp (lý thuyết). Đặc điểm của chương trình này sẽ đào tạo nhân lực phù hợp cho ngành nghề, tạo điều kiện tiếp xúc với môi trường làm việc thông qua chương trình học. Việc kết hợp lý thuyết ở trường và kinh nghiệm thực tế trong công việc tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai. Người học có cơ hội tự trải nghiệm các vị trí trong doanh nghiệp và tiến lên vị trí quản lý.

Cuối cùng cho rằng trong công tác chỉ đạo điều hành thì việc đồng thuận từ trên xuống dưới là hết sức quan trọng, do đó ông Dato Sri Idris Jala đề xuất Bộ cũng như Chính phủ Việt Nam cần tổ chức các hội thảo quan trọng nhằm góp phần tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, tạo những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực cải cách, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Lê Quân tại buổi làm việc

Cảm ơn ông Dato Sri Idris Jala, Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các nước trong đó có Malaysia về cải cách thể chế và cho biết, Bộ LĐ – TBXH đang triển khai một loạt các hoạt động về việc đẩy mạnh cả cách hành chính gắn với công nghệ thông tin, một số ứng dụng công nghệ của những lĩnh vực cơ bản như việc làm, an toàn lao động, quản lý lao động ngoài nước, người có công và dạy nghề sẽ "nối mạng". Bên cạng đó, Bộ mới cho ra mắt Ứng dụng "Chọn nghề, chọn trường" trên thiết bị di động. Đây là ứng dụng nhằm hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh, đồng thời giúp các bậc phụ huynh, học sinh có thêm kênh thông tin tổng hợp tìm hiểu ngành nghề đào tạo và chọn trường.

Thứ trưởng Lê Quân hy vọng, thời gian tới ông Dato Sri Idris Jala sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới.

Theo Molisa.gov.vn