Cập nhật ngày: 19/07/2018

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân vừa ký ban hành kế hoạch truyền thông giai đoạn 2018-2020 nhằm tạo đột phá nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, tạo chuyển biến về phân luồng cấp THCS và THPT, qua đó giúp bạn trẻ có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp.

 

 

Trên 500 tin, bài mỗi năm

Kế hoạch đặt mục tiêu nhằm tăng cường nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng có ít nhất 500 tin/bài viết/chương trình để tôn vinh, tuyên dương và biểu dương những điển hình, tấm gương của người dạy, người học, mô hình khởi nghiệp thành công từ giáo dục nghề nghiệp.

Kế hoạch còn có mục tiêu thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo.

 

Tác động nhiều đối tượng

Đối tượng của kế hoạch là người học tiềm năng, gồm: Học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an; Doanh nghiệp, người sử dụng lao động, như: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế...

Đồng thời tuyển dụng và sử dụng người học giáo dục nghề nghiệp nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Nội dung đa dạng

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH hướng công tác truyền thông về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; chuyển đổi nghề nghiệp trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Công tác đào tạo nghề nghiệp thường xuyên, vừa học vừa làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế...

Theo Thứ trưởng Lê Quân, mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông để xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gia đình và người học biết quan điểm, định hướng đổi mới của giáo dục nghề nghiệp, các mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, lộ trình và từng bước đi của quá trình đổi mới... Khi cả xã hội đánh giá đúng thực trạng điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xác định rõ hướng đi và bước đi, khi đó sẽ có sự đồng thuận và chúng ta sẽ đổi mới thành công.

Hoàng Mạnh/dantri.com.vn