Cập nhật ngày: 21/06/2018

 “Những bài trình bày và các phiên thảo luận tại Đại hội Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) 2018 và chuyến thăm quan thực tế tới Viện BIBB đã thôi thúc việc tiếp tục cải thiện chất lượng hệ thống đào tạo nghề Việt Nam đáp ứng nhu cầu của người học, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh của thời đại kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0”, TS. Trương Anh Dũng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp chia sẻ. TS. Trương Anh Dũng, dẫn đầu đoàn Việt – Đức từ Việt Nam gồm năm đại biểu từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp và Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam” tham dự Đại Hội BIBB 2018 từ ngày 07 đến 08 tháng 06 năm 2018 tại Berlin và tiếp sau đó là chuyến trao đổi học hỏi kinh nghiệm diễn ra 4 ngày. Cả hai hoạt động trên đều do Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức chủ trì.

Với chủ đề “Học tập cho tương lai, Giáo dục nghề nghiệp của ngày mai – Kinh nghiệm đổi mới”, Đại hội là diễn đàn mở cho khoảng 900 đại biểu Đức và quốc tế, những người có kinh nghiệm thực tế và cán bộ nghiên cứu từ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kinh tế và hàn lâm, cùng các nhà hoạch định chính sách trao đổi, phân tích thực tế đào tạo nghề tại Đức và một số quốc gia, đồng thời xác định xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai.

http://www.tvet-vietnam.org/kontext/controllers/image.php/o/4333

Đoàn đại biểu Việt - Đức và Giáo sư Tiến sỹ Friedrich Hubert Esser, Chủ tịch Viện BIBB tại Đại hội Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức 2018 tại Berlin, Đức 

Đúng với tinh thần: “Học tập cho tương lại”, Đại hội không chỉ thảo luận những thách thức hiện tại và tương lai của giáo dục nghề nghiệp, mà còn đề cập tới những cơ hội cần nắm bắt trong kỷ nguyên số hiện nay. Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia tích cực vào những phiên họp toàn thể và các phiên diễn đàn song song, tập trung vào bốn chủ đề chính, bao gồm:

- Diễn đàn về “Giáo dục nghề nghiệp trong Công nghiệp 4.0 – Đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao trong kỷ nguyên số”, tập chung vào những thay đổi trên toàn hệ thống cũng như thay đổi cấp trình độ và phạm vi nghề.

- Diễn đàn về “Địa điểm học tập với tương lai: hợp tác và số hóa” tập trung vào vấn đề địa điểm học tập và sự hợp tác giữa các địa điểm học tập trong giáo dục nghề nghiệp, dạy và học trong thời đại số hóa.

- Diễn đàn về “Học tập dựa trên công việc – năng lực nghề tại Châu Âu và Thế giới” tập trung vào sự đa dạng của việc học tập dựa trên công việc và tầm quan trọng của năng lực nghề nghiệp.

- Diễn đàn “Đào tạo nghề kép – Ưu tiên và thực tiễn” tập trung nội dung giới trẻ trên hành trình vào học nghề.  

Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra thông qua nhiều diễn đàn của Đại hội đó là, trong bối cảnh nền kinh tế số và Công nghiệp 4.0 cần thiết phải xây dựng các năng lực số cho các nhóm đối tượng mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là người dạy và người học. Hiện nay, Châu Âu đã có Khung năng lực số cho công dân nói chung (European Digital Competence Framework) và cho các nhà giáo dục nói riêng (European Framework for the Digital Competence of Educators).

Đại hội cũng là cơ hội cho đoàn đại biểu từ Việt Nam kết nối và thảo luận các vấn đề liên quan tới đào tạo nghề nghiệp với các chuyên gia nước ngoài, bao gồm các cán bộ nghiên cứu của viện BIBB và các đối tác hiện có như Viện Trình độ chuyên môn Thái Lan (TPQI), Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET).

Những vấn đề liên quan đến nền công nghiệp 4.0 cũng như xanh hóa đào tạo nghề, tài chính cho đào tạo nghề, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề và quản lý chất lượng cũng được thảo luận thêm trong suốt chuyến thăm bốn ngày tới Viện BIBB tại Bonn vào tuần sau đó. Các đại biểu cũng tới tham quan thực tế tại Phòng Thủ công nghiệp tại Berlin, trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp Butzweiler Hof ở Cologne và Trung tâm đào tạo tư nhân TÜV Rheinland. Tới thăm trụ sở chính của Trung tâm quốc tế giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO-UNEVOC) tại Bonn các đại biểu đã bàn về những cách tăng cường vai trò của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với tư cách là một thành viên của UNEVOC. Vào ngày cuối cùng của chuyến công tác, các đối tác cũng trao đổi về chủ đề theo dõi và giám sát hệ thống giáo dục nghề nghiệp, về phát triển báo cáo giáo dục nghề nghiệp Việt Nam 2017, cũng như những hoạt động hợp tác giữa viện BIBB, NIVET/DVET và GIZ trong thời gian tới. Đồng thời, hai bên cũng sẽ cùng nghiên cứu thêm áp dụng mô hình trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp của Đức phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam.

Chuyến công tác được tổ chức trong khuôn khổ hợp phần “ Tư vấn chính sách và cải cách hệ thống” thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện.

Quang Việt