Cập nhật ngày: 21/06/2018

      Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với quy mô chiếm 80 - 90% nhân lực qua đào tạo, có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân để nâng cao dân trí mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Gần đây, nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế (ILO, UNESCO, Diễn đàn kinh tế thế giới WEF...) đã khuyến cáo các quốc gia cần tập trung đặc biệt vào phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Tuyên bố Đà Nẵng của Hội nghị lãnh đạo APEC 2017 đã cam kết tăng cường phát triển nguồn nhân lực, bao gồm: GDNN, đào tạo lại và nâng cao tay nghề nhằm tăng cường khả năng được tuyển dụng, tính lưu động và năng lực sẵn sàng của lao động trong kỷ nguyên số.

 

 Ở các nước phát triển, GDNN rất được Chính phủ và người dân coi trọng. Nhiều nước châu Âu có hệ thống GDNN thu hút trên 50% học sinh phổ thông vào học, một số nước lên tới trên 70% như: Áo, Hungary, Đức, Hà lan, Thụy Sĩ... Nhiều nước châu Á cũng thu hút được khoảng 50% học sinh phổ thông học nghề, thậm chí Đài Loan, Singapore thu hút được 65 - 70% học sinh phổ thông vào học tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Dưới sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, đối tượng học nghề ngày càng mở rộng, không chỉ đào tạo nghề ban đầu cho học sinh phổ thông mà ngày càng nhiều người đang tham gia vào thị trường lao động phải học bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu công việc, hay những người đã tốt nghiệp đại học quay lại học nghề với nhiều kỹ năng, trình độ khác nhau để thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. UNEVOC (UNESCO) từng đưa ra khẩu hiệu “Giáo dục kỹ thuật nghề cho mọi người” (TVET for all).

Đảng và Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách để phát triển GDNN. Hệ thống GDNN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng cơ sở đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng; tỷ lệ người học tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70% (một số nghề đạt trên 90%), nhiều nghề có mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cam kết trả lại học phí nếu học sinh sau khi tốt nghiệp không có việc làm với mức thu nhập thỏa đáng. Sự đổi mới của hệ thống GDNN đã dần thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội; ngày càng nhiều gia đình đã động viên, ủng hộ con em học nghề như là một lựa chọn bình thường để nhanh chóng tham gia vào thế giới việc làm, thị trường lao động…

 

Vai trò của truyền thông trong nhận thức xã hội về GDNN - Ảnh 1

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN (áo trắng) kiểm tra công tác ôn luyện tại Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X.

  Tuy nhiên, quy mô đào tạo nghề ở nước ta còn chưa tương xứng với yêu cầu; bình quân mỗi năm chỉ tuyển sinh đào tạo được khoảng 2,2 triệu người; 8 - 10% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng đó là công tác truyền thông về GDNN chưa phát huy được kết quả như mong muốn. Nhìn một cách tổng thể thì vị trí, vai trò và hình ảnh của hệ thống GDNN của chúng ta chưa được truyền tải một cách đầy đủ, hiệu quả đến các chủ thể liên quan trong xã hội. Còn nhiều người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan Nhà nước thiếu thông tin về chính sách, về những đổi mới trong GDNN nên chưa thực sự quan tâm, tin tưởng vào GDNN.

Việc chọn trường, chọn nghề, tư vấn nghề nghiệp tương lai còn khó khăn do thông tin không đầy đủ. Nhiều mô hình đào tạo hiệu quả, chất lượng cao, nhiều gương điển hình tiên tiến trong GDNN chưa được biết đến một cách rộng rãi trong xã hội…

Chúng ta biết rằng, truyền thông có sức mạnh vô hình, “sức mạnh” của truyền thông được coi là quyền lực thứ tư, thậm chí cao hơn bởi sức ảnh hưởng tới nhận thức xã hội, tạo dư luận xã hội, định hướng dư luận xã hội của nó. Chính vì vậy, việc làm chủ và khai thác hiệu quả “sức mạnh” truyền thông là giải pháp quan trọng để các chủ thể hướng tới mục tiêu của mình.

Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia có GDNN phát triển là công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh về GDNN rất được coi trọng nhằm thay đổi nhận thức xã hội, tạo sức hút, sức hấp dẫn của hệ thống GDNN đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đơn cử như ở Đức có nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, hướng tới các đối tượng khác nhau như: Kể lại những câu chuyện thành công sau khi học nghề, các đoạn phim ngắn, triển lãm ảnh về học nghề, tổ chức những ngày hội, ngày tư vấn, hội thi tay nghề…

Tại Australia, GDNN vẫn là lựa chọn thứ 2 (sau đại học) đối với một số người, Chính phủ Australia đã có cả chiến lược truyền thông cho GDNN và tổ chức triển khai như một chiến dịch để thay đổi nhận thức của xã hội về lĩnh vực này; do vậy, cứ 4 người dân thì có 1 người đi học nghề, độ tuổi trung bình học nghề khá cao (31% số người học nghề đã trên 40 tuổi).

Đối với Việt Nam, để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, bên cạnh những giải pháp nhằm tăng cường năng lực để tạo dựng hình ảnh về một hệ thống GDNN hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy, những người làm công tác GDNN vẫn đang nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về GDNN, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút sự quan tâm, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống GDNN một cách thuận lợi, dễ dàng đối với người học, doanh nghiệp và xã hội.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai công tác truyền thông GDNN ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, về lâu dài cần nghiên cứu và đưa ra một chiến lược truyền thông về GDNN đồng bộ với yêu cầu phát triển GDNN trong từng thời kỳ. Chiến lược này cần được xây dựng dựa trên cách tiếp cận hệ thống với đầy đủ những nghiên cứu về thực trạng, bối cảnh, yêu cầu, mục tiêu, giải pháp; trong đó cũng cần xác định rõ về đối tượng truyền thông, không chỉ là người học (ở các độ tuổi và thành phần khác nhau) mà còn cả người sử dụng lao động, trường học, cộng đồng, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và tổ chức, cá nhân khác liên quan; từ đó có thông điệp và lựa chọn phương pháp truyền thông phù hợp, không chỉ là báo giấy, báo mạng, báo hình mà cả các kênh truyền thông xã hội, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; bên cạnh cung cấp thông tin về hệ thống GDNN, rất cần các hình thức tôn vinh phù hợp cho người học, người dạy và doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho GDNN…

Trước mắt, bên cạnh những giải pháp đang triển khai, cần tập trung làm tốt 3 việc để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông GDNN, cụ thể:

- Hoàn thiện kế hoạch về truyền thông cho giai đoạn trung hạn 2018 - 2020, trong đó xác định rõ những mục tiêu, giải pháp và lộ trình; đưa ra những thông điệp truyền thông phù hợp để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GDNN. Đặc biệt chú ý những mốc thời gian cần đẩy mạnh truyền thông gắn với tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp; các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để thông tin được cung cấp chính xác, thông suốt và kịp thời.

- Nâng cao nhận thức cho các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN, các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN về công tác truyền thông GDNN. Truyền thông luôn phải đi trước một bước để đưa thông tin tới xã hội, định hướng dư luận, nghe phản biện... và từ đó để có những giải pháp phù hợp cho phát triển GDNN. Những minh chứng cụ thể như đào tạo gắn với doanh nghiệp, đào tạo gắn với việc làm, thu nhập...; hay các cơ sở GDNN đang trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng; rồi các mô hình, cá nhân lập nghiệp thành công từ GDNN... nhằm giúp xã hội và mỗi cá nhân có cái nhìn đầy đủ hơn, khách quan hơn về GDNN, từ đó làm thay đổi nhận thức về GDNN. Chúng ta không thể tuyển sinh tốt nếu không đẩy mạnh truyền thông về một hệ thống GDNN với nhiều lợi ích, giá trị đích thực; cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về GDNN cho người dân, xã hội và doanh nghiệp.

- Tăng cường năng lực cho bộ phận quản lý công tác truyền thông ở các cơ quan, cơ sở GDNN thông qua hội thảo, tập huấn, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Mỗi cơ sở GDNN phải ưu tiên nguồn lực, kể cả con người và tài chính để làm tốt công tác truyền thông GDNN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ “đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”. Qua câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với thực tiễn xã hội hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ vai trò của truyền thông đối với đời sống xã hội nói chung, GDNN nói riêng. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Tổng cục GDNN, tôi xin gửi tới các nhà báo những lời chúc tốt đẹp nhất, mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan thông tấn, báo chí, của các nhà báo tới GDNN để làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

TS Trương Anh Dũng (Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN)