Cập nhật ngày: 25/05/2018

 Ngày 23/5, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Dự và chỉ đạo Hội thảo có TS. Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội và một số địa phương, đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Đặc biệt, có sự tham dự Bà Lê Quỳnh Lan- Giám đốc vùng Hà Nội tổ chức Quốc tế Plan- đơn vị xây dựng chương trình và tài trợ chính cho dự án này. Đồng hành với chương trình này có các nhà tài trợ Hàn Quốc KOICA, Công ty Hyundai E&C và Công ty Hyundai Motor.

TS. Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn trong nghề nghiệp, kỹ năng mềm của nguồn nhân lực là một trong những doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đặc biệt chú trọng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0, nguồn nhân lực nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng, vấn đề kỹ năng mềm nói chung còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được đào tạo lồng ghép trong chương trình đào tạo. Hướng tới đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình này có ý nghĩa thiết thực, giúp học sinh, sinh viên có tâm thế tự tin toàn diện trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, tác phong, làm việc theo nhóm… Thực tế, chương trình đã đưa vào dạy thí điểm tại 2 trường là: Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị Hà Nội.

Bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc Dự án Quốc tế Plan Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc Dự án Quốc tế Plan Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, đã có hơn 2000 sinh viên của 2 trường này được đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo lồng ghép, sẵn sàng đáp ứng cho thị trường lao động trong cuộc CMCN 4.0. Sau 2 năm triển khai và áp dụng, 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động”.

Tại Hội thảo đã công bố bộ tài liệu liên quan đến đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Theo đó, bộ chương trình này dự kiến sẽ bao gồm 60 tiết và hướng dẫn thực hành, với các nội dung nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên từ tác phong, văn hóa, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng cho rằng: “Đội ngũ giáo viên là rất quan trọng, họ cần phải có sự thay đổi. Đây là một thách thức lớn, để có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, họ thích ứng và thay đổi theo tình thế mới để dạy cho học sinh là điều không dễ dàng. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp là lấy người học làm chủ thể trung tâm của quá trình. Đó là thước đo cho sự đổi mới, thước đo cho sự tự chủ của mỗi nhà trường trong vai trò chuẩn bị các điều kiện để tạo cho học sinh được học. Cuộc CMCN 4.0 với những thay đổi nhanh chóng, tạo cho sinh viên sự hứng thú, tự tin, thay đổi tác phong, tư duy làm việc theo nhóm… là điều các em cần được trang bị…”.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Phạm Đức Vinh, hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết “Suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, trường chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng mềm song song với chương trình đào tạo nghề. Hiện nay chúng tôi đã có được một đội ngũ giáo viên đào tạo kỹ năng mềm cơ hữu. Chương trình này còn được đánh giá cao từ phía các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác với chúng tôi trong tuyển dụng lao động”.

Hội thảo đã mang đến cho các đại biểu những góc nhìn thực tiễn của giảng viên, sinh viên trong quá trình triển khai chương trình lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các thành công của dự án.

Thu Thủy