Cập nhật ngày: 22/05/2018

 Sáng 21/5, Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam (Hiệp hội GDNN & Nghề CTXH) đã tổ chức buổi gặp mặt tuyên dương các thí sinh của Hiệp hội tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X- 2018 và đạt giải. Dự buổi gặp mặt có Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH; PGS. TS Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam, cùng các thành viên, thí sinh, các chuyên gia thuộc các trường, hội, trung tâm tâm thẩm mỹ… thuộc Hiệp hội.

Lãnh đạo Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH cùng các thí sinh đạt giải

          Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X – 2018, lần đầu tiên Hiệp hội đã cử 5 thí sinh dự thi và đã có 4 thí sinh đạt giải, góp phần làm nên thành tích của toàn đoàn xếp thứ 17/56 Đoàn tham dự Kỳ thi. Với thành tích đạt được, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã tặng Bằng khen cho các thí sinh, chuyên gia gồm: Thí sinh Lê Thị Mỹ Tâm- HCB nghề Chăm sóc sắc đẹp (Trung tâm đào tạo Thẩm mỹ Ý My); Bà Đỗ Thị Diệu Hoa, chuyên gia huấn luyện thí sinh Lê Thị Mỹ Tâm, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Ý My; thí sinh Nguyễn Công Thiện- HCĐ nghề Lắp cáp mạng thông tin và chuyên gia huấn luyện Mai Hoàng Lộc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành).

Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội tặng Bằng khen cho Thí sinh Lê Thị Mỹ Tâm- HCB nghề Chăm sóc sắc đẹp

          Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch Hiệp hội đánh giá cao những nỗ lực của các em thí sinh dự thi. Sân chơi này là cơ hội cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn thực sự, đó là động lực thổi bùng lên niềm đam mê của những người thợ trẻ trong tương lai. Chủ tịch Hiệp hội mong muốn, các cơ sở đào tạo cần cố gắng cao hơn nữa trong thời gian tới để được tham dự Hội thi khu vực và quốc tế. Nhìn nhận qua kỳ thi này, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những tồn tại như: chưa phát động rộng rãi trong toàn ngành, chưa tổ chức được kỳ thi cấp cơ sở đến cấp hội, hiệp hội. Vì thế, cuộc thi lần đầu tiên này mới chỉ mang tính chất như cuộc thi thí điểm đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, với số lượng thí sinh dự thi chỉ có 5 em, nhưng đã có 4 em giành thành tích và đây là kết quả ngoài mong đợi. Thay mặt Hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội cảm ơn các chuyên gia và các thí sinh đã tuân thủ các quy trình của Hội thi.          

Chủ tịch Hiệp hội GDNN chúc mừng PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, Trưởng đoàn Hiệp hội tham dự Kỳ thi

         PGS. TS Cao Văn Sâm- Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, Trưởng đoàn Hiệp hội tham dự Kỳ thi bày tỏ lời cảm ơn chân thành trước sự quan tâm của lãnh đạo Hiệp hội, các nhà tài trợ… đã luôn đồng hành cùng các thí sinh cả về vật chất, tinh thần, giúp các thí sinh bước vào dự thi với tâm thế tự tin, giành chiến thắng và các em đã vượt lên chính mình. Kỳ thi đã tạo ra động lực mới cho Hiệp hội trong việc duy trì phát triển tài năng tham gia các kỳ thi tay nghề, đặc biệt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở các cơ sở đào tạo nói riêng và toàn quốc nói chung. Đó là khát vọng lớn và phải đi bằng những bước đi cụ thể thông qua đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đó chính là: nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xu hướng phát triển của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển và được xã hội nhìn nhận và tôn vinh, đang được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm. Vì thế, kỳ thi quốc gia còn đánh dấu một bước trưởng thành trong thời kỳ đổi mới về giáo dục nghề nghiệp. PGS. TS Cao Văn Sâm đánh giá kỳ thi có những nét mới, hòa nhập với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0 với 4 “điểm nhấn”: 1- Lần đầu tiên áp dụng cách thức và cách triển khai chuẩn hóa như cuộc thi ASEAN và Thế giới, đảm bảo tính khách quan và sự công bằng; 2- Một số môn thi mang dấu của CMCN 4.0 đã được đưa vào như lĩnh vực Internet vạn vật… thể hiện đúng hướng trong đào tạo nguồn nhân lực của bối cảnh toàn cầu; 3- Thang điểm công nhận tiêu chí tay nghề đạt kỹ năng nghề xuất sắc quốc gia được nâng tầm bằng với khu vực ASEAN và Thế giới(từ 600 điểm lên 700 điểm), điều đó đòi hỏi các thí sinh phải tăng độ chính xác chuẩn hơn rất nhiều và phải đạt chuẩn tới từng chi tiết trong mỗi tiêu chí đánh giá; 4- Công tác truyền thông tại kỳ thi này có sức lan tỏa dưới mọi hình thức: báo chí, facebook, livestream trực tuyến… thu hút nhiều học sinh, sinh viên trong toàn quốc theo dõi, từ đó tiếp cận tìm hiểu và chọn khởi nghiệp với giáo dục nghề nghiệp.

          Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hiệp hội đã lắng nghe chia sẻ của các thí sinh, chuyên gia huấn luyện cũng như các hội của Hiệp hội về những thuận lợi, khó khăn trong kỳ thi vừa qua. Từ đó, cùng nhìn nhận những mặt còn tồn tại để khắc phục, hướng tới mục tiêu cơ bản lấy chất lượng hàng đầu trong thời gian tới để nâng cao kỹ năng nghề, xây dựng kế hoạch chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, trí lực và vật lực, đẩy mạnh công tác truyền thông tới các hội nhằm tạo phong trào thi đua rèn luyện kỹ năng… Từ đó, không ngừng phát triển và sàng lọc để có thêm cơ hội tiếp cận với các cuộc thi từ cơ sở tới toàn quốc, vươn ra đấu trường khu vực ASEAN và thế giới. 

 

                                                                                                                   Thu Thủy