Cập nhật ngày: 04/05/2018

 Khoa học và công nghệ đóng vai trò chủ đạo cùng với giáo dục đào tạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong các cơ sở đào tạo ở nước ta hiện nay, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những yêu cầu bắt buộc của giảng viên. NCKH giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác dạy và học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp sinh viên rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng cho người học. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia nói chung, của mỗi cơ sở đào tạo nói riêng. Vì vậy, kết quả nghiên cứu khoa học trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp hạng của các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, các hoạt động NCKH chủ yếu được thực hiện trong khối các trường Đại học, Viện nghiên cứu. Các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức như: Nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; viết bài đăng trên các tạp chí; biên soạn chương trình, giáo trình, sách tham khảo…. Các hoạt động này đã đóng góp rất nhiều cho nền khoa học công nghệ về mặt học thuật, nguyên lý…,

Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) những năm qua cũng có khá nhiều hoạt động NCKH nhưng chủ yếu là hoạt động sản xuất thử nghiệm. Hầu hết các trường đều chung quan điểm, coi việc phát triển nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt trong việc đào tạo, phát triển nhà trường và giải quyết bài toán phối hợp với doanh nghiệp trên hai phương diện khoa học công nghệ và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Với cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức, kỹ năng, cùng với đội ngũ sinh viên có tay nghề, một số trường đã mạnh dạn nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ vừa phục vụ dạy học vừa phục vụ thương mại hoá. Điển hình trong hoạt động này là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với các sản phẩm: Dây chuyền sản xuất gạch không nung, Máy phát điện trục đứng, Máy phay CNC 3D,… Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu với các sản phẩm Hệ thống sản xuất nước sạch đóng chai, Robot lau kính,…

 

Đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KHCN, đồng chí Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đồng chí Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, Bộ KHCN, Bộ LĐTBXH và các doanh nghiệp tại Hội thảo và Triển lãm sản phẩm sáng tạo có khả năng thương mại hoá của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội

 

Qua khảo sát sơ bộ, có đến 61.74% số lượng các trường tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, có 61.9% số lượng các trường tự thực hiện nghiên cứu. Nhưng dưới góc độ hiệu quả, thì mới chỉ có 39.08% trường cao đẳng đã có sản phẩm đã chuyển giao, thương mại hóa. Trong đó, có 27.59% trường xác nhận có sản phẩm phục vụ nghiên cứu, dạy học nhưng chưa khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại.

Nhìn chung hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập:

-       Phần lớn tự nghiên cứu, sản xuất để phục vụ đào tạo, chưa nhiều có nhiều sản phẩm công nghệ được đưa ra thương mại trên thị trường.

-       Số lượng nghiên cứu có sử dụng ngân sách không nhiều, chỉ đạt 21,90%

-       Chưa chú trọng xúc tiến chuyển giao các sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu

-       Sản phẩm công nghệ chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu bài bản cũng như khả năng hoàn thiện và đóng gói sản phẩm.

-       Sản phẩm công nghệ chỉ dừng lại mức độ đơn lẻ, manh mún, mang tính chất cá nhân.

-       Chưa có nhiều sự hợp tác với Doanh nghiệp trong các hoạt động như nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất mẫu…

Rõ ràng, qua những con số nêu trên là một vấn đề đáng quan tâm đối với các CSGDNN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa được 27.59% đó ra được thị trường và có thể chuyển giao được đối với các doanh nghiệp?

Vậy đâu là nguyên nhân?

-      Chính sách

Có thể do chính sách đầu tư cho phát triển NCKH trong các CSGDNN chưa đủ mạnh. Do đó, các sản phẩm nghiên cứu mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu của doanh nghiệp, mang tính nhỏ lẻ, chưa có thể triển khai trên thị trường. Điều này đòi hỏi nhà trường phải hình thành một đơn vị đặc thù là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các CSGDNN rất khó do vướng mắc trong quy định của Luật Khoa học công nghệ về hoạt động NCKH

- Năng lực nghiên cứu: giảng viên, cán bộ

Giảng viên là lực lượng tri thức tham gia vào các quá trình nghiên cứu hình thành các kết quả và sản phẩm công nghệ hầu có trình độ từ Kỹ sư trở lên, đây là con số phần nào khẳng định trình độ phù hợp của lực lượng nghiên cứu tại các CSGDNN trong 96,76% lực lượng giảng viên được khảo sát tham gia nghiên cứu.

Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm khoa học công nghệ còn hạn chế, do một số nguyên nhân chủ yếu như tham gia nghiên cứu không thường xuyên và bị chi phối bởi các công tác giảng dạy, công tác quản lý và các hoạt động khác; một nguyên nhân nữa chính là xác định các vấn đề, lĩnh vực nghiên cứu chưa được sắc bén, thường bị động trong việc thực hiện nghiên cứu. Ngoài ra, số lượng giảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu, và đang phải hoàn thiện các kiến thức kỹ năng, nâng cao trình độ. Đồng thời, kinh nghiệm thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp của các giảng viên còn thiếu, dẫn đến việc nghiên cứu dễ bị dừng lại ở mức mô hình mà chưa mang tính thực tiễn, khó triển khai chuyển giao cho doanh nghiệp.

Đây cũng là những lý do chính tác động vào các kết quả nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, dẫn đến tác động đến khả năng chuyển giao, thương mại các sản phẩm công nghệ.

-      Khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng thí nghiệm

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, các CSGDNN được tổ chức, đầu tư, trang bị các thiết bị thực hành tiên tiến, phòng thí nghiệm hiện đại. Tuy nhiên, việc khai thác, vận hành cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng thí nghiệm chưa hiệu quả, dẫn đến hiệu quả không cao trong việc phục vụ nghiên cứu khoa học, hình thành sản phẩm nghiên cứu.

Một yếu tố khách quan chính là sự sai khác giữa cơ sở hạ tầng tại các trường và tư liệu, phương thức sản xuất tại các doanh nghiệp. Điều này là tất yếu, mặc dù nhà trường được đầu tư mới, hiện đại, nhưng tư liệu sản xuất tại mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

-      Bị động trong vấn đề huy động nguồn lực

Theo kết quả khảo sát đánh giá, có 51% giảng viên cho biết không có đủ nguồn kinh phí để tiến hành nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm. Một phần không nhỏ là 36,67% giảng viên không tiếp cận được nhu cầu doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tính chủ động tiếp cận nguồn vốn của các CSGDNN. Thứ hai là các nhà nghiên cứu phụ thuộc vào cơ chế chính sách ngay trong chính nhà trường mà chưa mạnh dạn tự đầu tư phát triển nghiên cứu của mình. Vấn đề này xuất phát từ cơ chế phân chia lợi ích nghiên cứu, không làm tăng động lực nghiên cứu của các giảng viên.

Trong khi đó việc các CSGDNN có ít cơ hội để tiếp cận và thực hiện các nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành phố và quốc gia.

- Phối hợp với doanh nghiệp

Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới các ý tưởng, sản phẩm đang được nghiên cứu tại nhà trường. Một số sản phẩm được thực hiện dựa trên đặt hàng của các doanh nghiệp, tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở số lượng nhỏ lẻ, chưa có thể sản xuất đồng loạt. Trong khi ở các nước phát triển, trên 80% các sản phẩm, phát minh sáng chế được thực hiện trong các cơ sở đào tạo

Đây cũng chính là vấn đề cần nghiên cứu và đánh giá một cách cẩn thận để tìm giải pháp phát triển mối quan hệ này trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa đơn vị nghiên cứu và thị trường.

Giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

Để thực hiện được mục tiêu phát triển NCKH cần phải có những giải pháp đủ mạnh để khắc phục khó khăn trước mắt và có các giải pháp chiến lược lâu dài để nghiên cứu, triển khai đồng bộ mới đảm bảo được khả năng đưa được các kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ vào thực tiễn của cuộc sống. Một số giải pháp được đề xuất như sau:

Nâng cao năng lực, trình độ của lực lượng nghiên cứu:

Tổ chức đào tạo bồi dưỡng hàng năm đối với lực lượng giảng viên về mặt chuyên môn, học thuật. Hoạt động này nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu một cách có hệ thống, cập nhật so với công nghệ hiện nay.

Tổ chức các lớp tập huấn về khả năng vận hành, làm chủ công nghệ trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm. Hoạt động này có thể được bổ sung bằng các cuộc thi triển lãm sáng tạo KHCN, thi thiết kế mô hình, tổ chức hoạt động phòng thí nghiệm, thiết kế các mô hình phương tiện đào tạo nghiên cứu.

Tổ chức giảng viên tham gia hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự gia tăng cách người nghiên cứu tiếp cận dây chuyền công nghệ mang tính tổng quát. Đồng thời người nghiên cứu nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu công nghệ tại các doanh nghiệp và nắm bắt được phương thức, tư liệu sản xuất nhằm tối ưu các nghiên cứu phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng cơ chế phân chia lợi ích nghiên cứu rõ ràng, minh bạch giữa các giảng viên và nhà trường. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy động lực và đảm bảo quyền lợi đối với người làm nghiên cứu.

Ngoài ra, cần tổ chức các khóa đào tạo trang bị kiến thức về các quy định, chính sách của pháp luật, các kiến thức sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; các kỹ năng tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ; kỹ năng thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ; kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng; kiến thức về khởi nghiệp công nghệ; đào tạo nâng cao thực hành làm chủ công nghệ.

Khai thác trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiệu quả:

Xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị một cách đồng bộ, phù hợp với công nghệ hiện tại, vừa đảm bảo sự đồng bộ, vừa đảm bảo giảm được chi phí đầu tư do tập hợp các ngành nghề, lĩnh vực nghiên cứu có thể dùng chung, giảm thời gian “chết” của trang thiết bị đó.

Đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm có sự tham gia của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính phù hợp giữa khả năng dạy học, nghiên cứu vừa có thể sản xuất sản phẩm cho doanh nghiệp. Điều này tránh được sự lãng phí trong hoạt động đầu tư. Đồng thời, nắm bắt được các yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị đảm bảo không lạc hậu so với thực tế.

Xây dựng kế hoạch sử dụng, lịch làm việc nhằm khai thác tối đa công năng sử dụng của các phòng thí nghiệm. Do một số lĩnh vực nghiên cứu có thể dùng chung phòng thí nghiệm, nên việc lập kế hoạch khai thác sử dụng hợp lý vừa đảm bảo hoạt động tối đa vừa giảm được chi phí đầu tư ban đầu. Trong ngắn hạn, có thể khai thác công năng sử dụng của thiết bị, phòng thí nghiệm bằng cách cho doanh nghiệp thuê/ phối hợp nghiên cứu.

Xây dựng chính sách hỗ trợ:

Xây dựng chính sách hỗ trợ các CSGDNN có cơ hội tiếp cận với các nhiệm vụ/ dự án nghiên cứu khoa học các cấp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ các CSGDNN thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc trường quản lý, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.

Xây dựng chính sách hỗ trợ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ đầu tư nghiên cứu làm ra sản phẩm thử nghiệm cho doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đối với các giảng viên tham gia nghiên cứu các cấp.

Tổ chức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ:

Thành lập doanh nghiệp NCKH trực thuộc trường quản lý. Với nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động NCKH, tìm kiếm các nhiệm vụ nghiên cứu (từ các dự án, các nhu cầu của doanh nghiệp), giới thiệu, công bố các kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ; tạo nguồn thu chủ lực cho nhà trường thông qua các hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu năng lực nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ do trường thực hiện, nhằm thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm sự phối hợp đầu tư vào các ý tưởng nghiên cứu, đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp.

Hợp tác với các doanh nghiệp trong các hoạt động thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ. Thông qua các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa các thành quả đó vào ứng dụng trong thực tiễn.

Doanh nghiệp NCKH hoạt động dựa trên cơ chế tự chủ.

Kết luận:

Các CSGDNN không nằm ngoài xu thế chuyển mình sang mô hình tự chủ và vận động thích nghi với các điều kiện phát triển NCKH như hiện nay và trong tương lai. Để đạt được mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm cần triển khai các giải pháp đề xuất ở trên một cách đồng bộ, chủ động trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên, thành lập doanh nghiệp KHCN nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần tích cực đối với phát triển thị trường KH&CN của cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 20–NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI.

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội