Hóa ra, bà có cô con gái lớn sắp tốt nghiệp lớp 12 nhưng kiên quyết không thi đại học.

Cô con gái nằng nặc đòi tốt nghiệp phổ thông xong thì đi học nghề vì “học đại học vừa tốn thời gian, tốn tiền mà chả giải quyết gì cả”.

Bà Vân nói: “Thú thực là nó đã báo chỉ học nghề từ đầu năm lớp 12 nhưng tôi không đồng ý. Sau đó, tôi có xem phóng sự trên VTV1 về chọn việc làm hay chọn bằng cấp thì tôi thấy nó nói cũng có lý. Tuy nhiên, dù có chấp nhận cho con học nghề tôi vẫn thấy cứ sao sao ấy.”

Giống bà Vân, nhiều bậc phụ huynh vẫn băn khoăn trong việc cho con học nghề hay học đại học.

Chị Thực – người mẹ có con trai đang học cấp 2 cho biết: “Con trai chị từ hè năm lớp 8, (cháu học trường Quốc tế) đã xin mẹ cho học Cao đẳng nghề FPT (Arena) và luôn suy nghĩ “chắc con không cần học đại học đâu mẹ”. Mẹ đồng ý nhưng con cứ xem Bầu Đức (không có bằng đại học) giàu thế vẫn đang buồn kia kìa…”

Phương Thanh – cô sinh viên năm nhất Học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: Cháu thích học quản lý khách sạn nhưng thi bị trượt nên cháu vào đây. Các bạn cháu chủ yếu lựa chọn ngành học theo ý của bố mẹ hoặc sở thích cá nhân là chính chứ chả có định hướng gì đâu. Bọn cháu cứ học thôi, việc làm thì tính sau.

 

title=/ 

Nhiều bạn trẻ lựa chọn học nghề thay vì kiếm tấm bằng đại học. Ảnh minh họa

Cổng trường đại học giờ không còn “cao vời vợi” mà thênh thang chào đón với đủ loại trường lớp, ngành nghề nên muốn có bằng đại học không khó.

Bên cạnh đó, có người cho rằng, học đại học rồi thất nghiệp là sự lãng phí sức người, sức của không chỉ của người dân mà còn là của Nhà nước.

Ông Bùi Văn Đào (một phụ huynh ở Hòa Bình) cho biết: Kinh tế nông thôn khó khăn, việc cho cháu theo học đại học rất vất vả, cháu thích học nghề thì chúng tôi đáp ứng nguyện vọng của cháu.

Cháu Gia Tùng (Hà Nội), đang theo học nghề ở trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic thì khẳng định: Cháu quyết định học nghề vì cháu thấy sinh viên ra trường thất nghiệp đầy ra đấy nhưng học nghề ra thì 100% là có việc làm.

Tính đến đầu năm 2018, nước ta có 1.979 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, các cơ sở tuyển khoảng 2,2 triệu học viên.

Chất lượng dạy nghề nước ta đang từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện (lĩnh vực viễn thông, dầu khí, cầu đường.); khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt trên 90%; đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.

 

 

title=/ 

 

Ông Phạm Tiến Dũng - Hiệu phó Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội 

 

Theo thạc sỹ Phạm Tiến Dũng – Hiệu phó Trường Cao đẳng điện tử điện lạnh Hà Nội, hiện thị trường lao động rất thiếu đội ngũ thợ kỹ thuật lành nghề. Tuy nhiên, nhiều em có khả năng về kỹ thuật lại muốn có cái danh đại học, nghe theo bố mẹ, bạn bè hoặc xu hướng xã hội mà lựa chọn một trường đại học nào đấy.

Cũng theo ông Dũng, công tác hướng nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa trong trường PTTH, thậm chí là ở cấp PTCS để các em có thể tìm được điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự chủ chọn lựa nghề học phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu của thị trường lao động.

Nhà nước với chủ trương đổi mới trong giáo dục đào tạo nghề, áp dụng phương thức “lấy học sinh làm trung tâm”, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành trực thuộc thực hiện chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp đóng góp và tham gia đào tạo theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, bao gồm các hỗ trợ trong kết nối nhà trường và doanh nghiệp, hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo, hỗ trợ thông tin truyền thông trong tuyển sinh, tuyển dụng ...

Mô hình kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được triển khai ở các trường nghề hiện nay đã giúp người học được đào tạo theo đúng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

title=/
Anh Nguyễn Nhật Tấn - Học viên Trung tâm đào tạo nghề Bà Rịa - Vũng Tầu học thực hành tại cơ sở

Anh Nguyễn Nhật Tấn - Học viên tại Trung tâm đào tạo nghề Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết mình vừa được học tại Trung tâm, vừa được học trực tiếp tại ga ra, và sau khi tốt nghiệp, có bằng sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty.

Việc gắn kết giáo dục đào tạo nghề với doanh nghiệp đã tạo ra lợi ích lớn cho các bên: trường nghề thu hút được học sinh, học sinh tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp đã có nơi nhận trả lương, doanh nghiệp tìm được lực lượng lao động tuổi đời trẻ nhưng lại đủ tuổi nghề theo yêu cầu, Nhà nước giải quyết được nạn thất nghiệp.

Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, trường đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới trong việc dạy lý thuyết gắn với thực hành, doanh nghiệp tạo điều kiện việc làm cho học viên, quyết định là ở phụ huynh và những thanh niên trẻ tuổi đang đứng trước nhiều cánh cửa cuộc đời.

Phóng sự: Chọn bằng cấp hay chọn việc làm tại đây

Tùng Vân/phapluatxahoi.vn