Cập nhật ngày: 12/04/2018

 “Đó không phải là anh trai con”, câu nói xuất hiện khi tôi đang còn là đứa học sinh lớp 9, trong buổi chiều nắng vừa ra ngoài may bộ đồ cho năm học mới, mẹ run run từng giọng nói, rằng tôi còn một người anh trai nữa, người anh cùng mẹ khác cha, kết thúc mười tám năm dài đằng đẵng mà mẹ đã tìm kiếm ròng rã. Nhưng khi tôi vẫn chưa có suy nghĩ chính chắn vì còn đang trong quá trình trưởng thành, tôi cảm thấy anh không xứng là anh trai, vì một phần chưa hiểu cho hoàn cảnh của mẹ, vì anh bần cùng, không có nghề nghiệp ổn định.

Khó khăn lấn áp ước mơ

Hồi anh chỉ mới học xong cấp 2, ba bắt anh làm công nhân kĩ thuật, cụ thể là đi hàn sắt thép. Anh không thích, anh nói tôi anh thích vẽ. Anh còn thích những hiệu ứng trên máy tính, lò mò mấy cái app chỉnh hình rồi vẽ hình, và điều đó làm anh cảm thấy thích thú vô cùng. Tôi thoáng cười.

Tuy nhiên, lúc đó anh vẫn chưa được gặp mẹ, khó khăn trải đầy phía trước, vì đơn giản chưa một ai lắng nghe và ủng hộ ước mơ của anh. Không nghe lời ba, anh bị đuổi khỏi nhà, ba anh giấu luôn giấy tờ tùy thân của anh để người con trai không đi theo ý muốn của chính mình chạm tới ngõ cụt cuộc đời. Anh mượn chứng minh thư của một người bạn, lên Biên Hòa chạy bàn tại một quán ăn, cố gắng kiếm tiền để trước hết có cái ăn để sống, sau là để học vẽ. Nhưng vỏn vẹn năm trăm nghìn một tháng, ăn ở còn chưa đủ, học hành có lẽ phải để lại phía sau. Làm được khoảng ba tháng, chị họ anh gọi anh về, nói rằng ba đã tha thứ cho anh rồi, tuy nhiên anh vẫn phải đi theo ý muốn của ba anh, không làm thợ Hàn, thì đi rẫy nhặt mướn chôm chôm cho người ta, nhặt cả ngày được mười lăm ngàn, không nhặt chôm chôm nữa thì đi nuôi ong, không đi nuôi ong thì phụ người ta bán hàng cơ khí, tối về theo xe bán tải đi giao hàng kiếm thêm chút đỉnh,…  Rồi ba anh lại gửi anh đi đâu đó phụ làm những công việc mà ngay chính anh cũng không được biết trước, hứa là đi làm rồi sẽ cho đi học, không những ngày tháng trôi qua thật lâu anh vẫn chưa được cho đi học như lời hứa, mà anh còn bị bóc lột sức lao động  nặng nề. Vào thời điểm đó, anh vẫn đang bươn chải, rất khó khăn để có thể đi học được, nhưng anh vẫn nuôi ý chí muốn học vẽ, được vào trường nghề học đồ họa và được rời khỏi con đường làm thuê làm mướn mà ba anh một cách vô tình đã sắp đặt và ép buộc.

Khi ước mơ được lắng nghe và thấu hiểu

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên gặp anh, làn da anh cháy nắng, nhỏ con và anh chỉ cao khoảng 1m55. Mẹ mua vở, sách, cặp, bút,.. để đầy ở nhà, y hệt như chuẩn bị cho đứa em tôi lên lớp một, chờ anh tới rồi đưa cho anh sách vở đó kèm một ít học phí để anh tới trường, hoàn thành những năm tháng học sinh còn lại. Anh nói rằng việc học nghề là mơ ước bấy lâu, học nghề để có thể mau chóng đi làm với mỗi ngày sống đúng nghĩa là niềm vui và hạnh phúc, được kiếm tiền cho em gái là tôi, và cho mẹ, và cả chứng minh với ba thực lực của chính mình.

Anh hoàn thành cấp ba tại trường Giáo dục thường xuyên, lên thành phố học kĩ thuật viên đồ họa tại trung tâm tin học Đại học Khoa học tự nhiên. Sau ngần ấy khó khăn, việc thuê một căn nhà nhỏ bé, chật hẹp giữa lòng Thành phố với anh chẳng hề hấn gì, anh còn cảm thấy vui khi ăn những bữa cơm thiếu thốn, ít ỏi một cách vội vã, động lực phi thường ấy chính là để thực hiện ước mơ đồ họa.

 Và sau tất cả, không còn gì quý hơn niềm đam mê, ước mơ, khát khao của chính mình đã thành công và được người khác công nhận. Anh đi làm với mức lương ổn định, mua được chiếc xe máy cho riêng mình, thỉnh thoảng còn về thăm mẹ và mua quà cho chị em tôi. Ba anh không còn cấm đoán anh nữa, ba anh hiểu được “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Anh đã chứng minh cho mọi người thấy được việc theo đuổi đam mê, ước mơ dựa trên sở thích, điểm mạnh của chính mình là hoàn toàn đúng đắn, và hơn bất cứ phương tiện, cách thức nào, trường nghề vẫn là nơi chắp cánh, đâm chồi cho những ước mơ ấy bay cao, bay xa không thua kém nơi nào khác. Kể cả tôi, khi lần này lần khác tránh né anh trai mình, chỉ vì anh không bằng anh của những người bạn khác, chỉ vì anh không làm công việc lớn lao, tôi xem thường lẫn cả ước mơ học nghề của anh, thì giờ đây tôi chỉ có thể một lần nữa ngồi xuống, lắng nghe ước mơ của anh và tôn trọng nó một cách chân thành. Có lẽ anh đã tặng tôi bài học quý giá cho việc theo đuổi đam mê của một con người, và thực hiện nó một cách đơn giản nhưng đầy nhiệt huyết và khát khao. Đó là cách anh làm cho mọi người hiểu và trân quý anh hơn bao giờ hết. Và đó là anh trai tôi!

 

 

                                                                             

Người viết: Nguyễn Thị Thu Hạnh