Cập nhật ngày: 05/04/2018

 Cách đây 10 năm, có một chàng trai 18 tuổi đã rời mảnh đất Ninh Bình để lên Hà Nội học nghề chế tác trang sức. Hành trang anh tôi mang đi khi đó chính là ý chí tuổi trẻ và niềm đam mê thúc giục. Suốt 10 năm nay, chưa một ngày anh quên lời hứa với cha và ông nội sẽ trở thành nghệ nhân chế tác trang sức số Việt Nam.

Khi rất nhiều người bạn cùng tuổi anh thời đó chọn đại học hay cao đẳng thì anh tôi chọn trường nghề, mà lại là một nghề tôi nghĩ rằng nó không bao giờ dành cho anh. Mỗi lần tôi hỏi “Sao anh lại chọn nghề này?” anh chỉ cười mà bảo tôi rằng “Chắc tại hồi bé hay làm vòng hạt cho em gái nên anh yêu mấy cái hạt mất rồi”

Chế tác trang sức là một nghề không dễ, nó đòi hỏi ở người thợ rất nhiều yếu tố cả kỹ thuật, sự sáng tạo và gu thẩm mỹ. Vì vậy, anh tôi đã mất một năm đầu rất khó khăn để học ở trường nghề. Quả thực không dễ như làm vòng hạt cho trẻ con chơi, để làm ra một sản phẩm trước tiên người thợ phải biết và hiểu được đặc tính của từng nguyên liệu. Ví dụ bạc thì mềm, gặp lưu huỳnh thì đen, vàng cứng hơn và ít bị ảnh hưởng bởi hóa chất… Nắm được về các nguyên liệu mới là bước đầu cơ bản, quy trình làm ra một sản phẩm trang sức còn phải lên mẫu, tạo sáp, làm khuôn, lên sản phẩm thô, đánh bóng, kiểm định… có đến cả chục quy trình mà anh nói bao lần tôi vẫn không thể nào nhớ nổi.

Sau một năm học, anh được công ty đưa vào bắt đầu làm sản phẩm. Nghe anh kể lại kỷ niệm những ngày đầu bắt tay làm sản phẩm thì đúng là vừa khóc vừa cười. Cười vì có những sản phẩm anh đã đinh ninh rất đẹp thì lúc làm ra lại không rõ hình thù gì, cái nhẫn mặt đá mẫu vẽ hình tròn thì lúc lên thô nó thành hình bầu dục, rồi nhiều lúc màu sắc kết hợp chưa hài hòa, các đường nét chạm trổ thiếu tinh tế…Khóc vì mỗi lần như vậy, anh lại bị trừ lương, do môi trường làm việc của Nhật rất kỷ luật, tốt khen hỏng phạt là chuyện bình thường. Thế là mất vài tháng đầu anh tôi không có tiền gửi về cho gia đình.

Sau mười năm “dấn thân” vào nghề, người anh trai thích làm vòng hạt cho em gái ngày nào giờ đã trở thành một người thợ chính thành thạo. Trong công ty, bên cạnh việc làm những sản phẩm khó, anh còn đảm nhiệm việc đào tạo các thế hệ sau.

Anh tôi cũng không có khái niệm giấu nghề, 1 năm kinh nghiệm làm nghề bằng 10 năm học vậy mà 10 năm của anh đúc kết được gì tinh túy anh đều truyền hết. Tôi cứ bảo anh dạy người ta hết như vậy nhỡ sau họ giỏi họ thay mình thì sao? Anh bảo tôi rằng: “Cùng một mẫu nhẫn nhưng 10 cái làm ra mỗi cái phải toát lên một vẻ đẹp riêng không giống nhau, vậy mới là thợ giỏi và anh thì vẫn chưa làm được như vậy. Anh chỉ sợ mình không giỏi lên chứ không sợ có người giỏi hơn mình”

Nghề chế tác trang sức cần nhất ở người thợ là sự khéo léo và tỷ mỉ. Một ý tưởng tốt xuất phát từ sự sáng tạo và gu thẩm mỹ, nhưng để biến ý tưởng đó thành sản phẩm có thể chinh phục người nhìn thì rất cần đến đôi tay khéo léo trạm trổ của người thợ, sự cẩn thận thận trong việc kết hợp từng chi tiết nhỏ, bởi nếu chỉ cần một sai sót thôi, tất cả sẽ trở về con số không.

Người thợ chế tác trang sức hình như ai cũng có cái “máu nghề”, nhiều khi anh tôi làm một sản phẩm liên tục mấy ngày đêm quên ăn quên ngủ, rồi còn phải giữ được chữ tín cho mình vì nguyên liệu đều là những kim loại quý, người thợ không thể đánh tráo mà phải có trách nhiệm mãi mãi với sản phẩm mình làm ra.

Anh tôi cũng phải vượt qua rất nhiều vấn đề về sức khỏe, bởi nghề chế tác trang sức bắt buộc người thợ phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại. Nhiều lần thấy anh vất vả tôi cũng bảo anh suy nghĩ tìm công việc khác nhưng có lẽ như anh nói “Anh yêu mấy cái hạt này rồi” nên không bỏ được.

Tôi nhớ một lần lên Hà Nội thăm anh, anh đưa tôi đi chơi phố cổ. Qua phố hàng Bạc, một trong những con phố lâu đời nhất về truyển thống làm nghề chế tác trang sức, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện về sự ra đời của con phố này ngay tại ngôi đền thở tổ tại 51 Hàng Bạc ngày nay. Người thợ chế tác trang sức mà anh tôi ngưởng mộ là bác Quách Văn Trường, bác là thế hệ đầu tiên mang nghề ra phố Hàng Bạc từ đầu những năm 90. Đến nay, mặc dù trong nhà các con cái bác có thể học nhiều ngành, làm nhiều nghề nhưng ai cũng biết chế tác và có thể trở thành một người “thợ nối dõi” bất kỳ lúc nào, vì theo lời bác “làm nghề dễ, giữ nghề mới khó”. Nghề chế tác trang sức ở Việt Nam cần được phát triển và giữ gìn.

Tết này, anh tôi có một lời hứa sẽ làm tặng em gái một chiếc vòng hạt đeo tay, nhưng không phải bằng đá cuội hay vỏ sò mà là từ đá  EMERALD (hay còn gọi là Ngọc Lục Bảo) loại đá tượng trưng cho hòa bình và hạnh phúc.

----------------------------

Nhân vật trong truyện: Anh Quang Tới

Tác giả: Lê Thị Thanh Thủy

Địa chỉ: Nhà số 2/100/254 Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội