Cập nhật ngày: 04/04/2018

 Ngày 04/4/2018, tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với đại sứ quán Úc tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Học nghề: con đường dẫn tới sự nghiệp mơ ước”. Tham dự chương trình giao lưu có TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo một số Vụ thuộc Tổng cục; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Bà Joanna Wood - tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam, các đại sứ nghề Úc: Stephen Lunn, Emilia Montague và Samantha Masih; đại diện các phòng, khoa và hơn 200 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí.

TS. Trương Anh Dũng- Phó Tổng Cục trưởng phát biểu khai mạc

          Phát biểu khai mạc, TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Úc có nhiều nội dung quan trọng về giáo dục nghề nghiệp. Chương trình giao lưu hôm nay là một hoạt động cụ thể để hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ và mang một ý nghĩa quan trọng góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước về giáo dục nghề nghiệp. Úc là quốc gia không chỉ mạnh về phát triển kinh tế, giáo dục nghề nghiệp cũng rất phát triển. Trong các kỳ thi tay nghề thế giới, các thí sinh Úc luôn xuất sắc và dành thứ hạng cao. Chương trình giao lưu sẽ là cơ hội để tìm hiểu mô hình giáo dục nghề nghiệp và kinh nghiệm phát triển kỹ năng nghề của Úc.

Bà Joanna Wood - tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại chương trình giao lưu

       Bà Joanna Wood - tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp là đầu tư tương lai chúng ta. Hôm nay, với chia sẻ từ các đại sứ nghề sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý để dẫn đến thành công về nghề nghiệp. Khảo sát của Tổ chức kỹ năng nghề Australia cho thấy: Mức lương khởi điểm của một học sinh học nghề là 56.000 đô la Úc/năm (khoảng 980 triệu đồng), trong khi đó, mức lương của sinh viên đại học khi ra trường chỉ là 54.000 đô la Úc/năm. Ngoài những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng sống luôn rất quan trọng đối với người học nghề. Vì vậy trong chương trình đào tạo nghề của Úc luôn lồng ghép các nội dung về phát triển kỹ năng mềm cho người học.

          Tại chương trình giao lưu, các em học sinh, sinh viên được chứng kiến những trình diễn kỹ năng đặc sắc về nấu ăn, pha chế và phục vụ nhà hàng của các đại sứ nghề trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng Stephen Lunn, Emilia Montague và Samantha Masih.

          Chia sẻ tại chương trình giao lưu, đại sứ nghề Stephen Lunn cho biết, chính nghề đã lựa chọn ông, 33 năm trước khi mới bước vào nghề đầu bếp và khách sạn ông cảm thấy lo lắng, tuy nhiên bây giờ bản thân ông cảm thấy tự tin trên cương vị là chuyên gia ẩm thực, đầu bếp trưởng và giảng dạy. Ông khuyên các bạn trẻ theo học nghề phải nắm bắt cơ hội nghề nghiệp và phải luôn đặt mục tiêu cao hơn trong nghề nghiệp. Chính vì điều này đã giúp ông trở thành bếp trưởng danh tiếng tại Úc. Ông cho rằng ẩm thực ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng sẽ là cơ hội cho học sinh, sinh viên theo học nghề trong lĩnh vực du lịch – nhà hàng khách sạn phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Đại sứ nghề Stephen Lunn chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp tại tọa đàm

          Đại sứ nghề Emilia Montague cho biết khi theo đuổi nghề du lịch và khách sạn, bản thân bà phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khắc phục những điểm yếu của bản thân để làm tốt công việc trong nghề của mình. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tại kỳ thi tay nghề thế giới, bà Emilia Montag cho biết tại kỳ thi việc thể hiện những kỹ năng dưới áp lực cao, đòi hỏi cần những kiến thức, kỹ năng rất cụ thể không chung chung như học tại trường, vì vậy khi thi tay nghề thế giới các bạn cần phản ứng nhanh và sáng tạo.

Em Nguyễn Thị Diễm Hương, sinh viên khoa Quản trị khách sạn, nhà hàng đặt câu hỏi với các đại sứ nghề Úc

           Bên cạnh đó, đại sứ nghề Samantha Masih cho biết nghề nghiệp tại Úc đều có các chuẩn quy định vì vậy khi rèn luyện kỹ năng hay tác nghiệp các bạn học sinh, sinh viên cần phải thực hiện các bước đúng theo quy trình đã xác định. Bên cạnh thực hiện tốt những kỹ năng các bạn học sinh, sinh viên cần giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự và vui vẻ khi giao tiếp với khách.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đại sứ nghề Úc 

 

          Phát biểu kết luận chương trình giao lưu, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết: Tục ngữ có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, các em học sinh, sinh viên cần lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp, đam mê và cống hiến cho nghề nghiệp thì nhất định các em sẽ gặt hái được thành công. Phó Tổng Cục trưởng cảm ơn Đại sứ quán Úc, các đại sứ nghề Úc đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại Úc. Điều này rất ý nghĩa cho sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại Việt Nam.

                                                                                                        VP TCGDNN