Cập nhật ngày: 02/02/2018

Ngày 31/01/2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam để bàn về các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018. Tham dự cuộc họp có TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và tập thể lãnh đạo Hiệp hội.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại cuộc họp, thừa ủy quyền lãnh đạo Tổng cục, ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2018.

Năm 2017, Tổng cục đã tập trung xây dựng, trình ban hành 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 18 thông tư, nâng tổng số văn bản đã trình ban hành lên 42 văn bản; Xây dựng trình Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc CTMT GDNN - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020; Hoàn thành việc bàn giao chức năng quản lý nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm); Triển khai Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và ban hành các Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục GDNN; Tham mưu trình bộ ký các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương; Tập trung hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật GDNN.

Phối hợp chặt chẽ với khoảng 40 cơ quan thông tấn báo chí để thực hiện công tác truyền thông về GDNN, trong đó phối hợp với Báo Tuổi Trẻ xây dựng và đưa vào vận hành Trang thông tin tuyển sinh GDNN và tổ chức phát động cuộc thi viết “Tôi chọn nghề nhận được sự tham gia tích cực của độc giả. Đến nay đã có trên 1000 bài viết được gửi về; Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác tuyển sinh, kết quả năm 2017 ước đạt được 2,2 triệu người, trong đó: tuyển sinh cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người.

Tập trung phát triển chương trình đào tạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật GDNN; ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng, hướng dẫn thực hiện đào tao trung cấp, cao đẳng theo niên chế hoặc tích lũy mô đun, tín chỉ; Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo được đầu tư mua sắm cho cơ sở GDNN để đảm bảo, nâng cao chất lượng công tác dạy và học nghề của các cơ sở GDNN đặc biệt là các trường chất lượng cao; Tiến hành Đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc; Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao về trình độ tay nghề, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ và dần đạt chuẩn; Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp được triển khai thực hiện tích cực.

Đã tổ chức rà soát theo vùng, đánh giá cơ sở GDNN và hướng dẫn sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên toàn quốc. Tại thời điểm bàn giao quản lý nhà nước về GDNN, tổng số cơ sở GDNN trong cả nước là: 1.989 cơ sở, gồm: 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Sau khi các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, sắp xếp đến nay, cả nước có 1.974 cơ sở GDNN (giảm 15 cơ sở), gồm: 388 trường cao đẳng (giảm 21 trường), 551 trường trung cấp (giảm 32 trường), 1.035 trung tâm GDNN (tăng 38 trung tâm).

          Năm 2018, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó trọng tâm là đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, Tổng cục đã đề ra các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, tạo hành lang pháp lý để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; Tăng cường đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về GDNN, hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh GDNN năm 2018; Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn bị lộ trình đổi mới, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN; Xây dựng các chuẩn áp dụng trong GDNN; đổi mới tổ chức đào tạo tiếp cận với các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong quản lý, đào tạo ở các cơ sở GDNN; Tăng cường hợp tác quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội và bà Trần Thị Tâm Đan đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc triển khai nhiệm vụ năm 2018 trong đó tập trung nâng cao quy mô đào tạo nhất là đào tạo thường xuyên. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội đã thống nhất các nội dung cần triển khai phối hợp trong năm 2018, cụ thể: Công tác hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong đó tập trung tuyên truyền trên tạp chí nghề nghiệp cuộc sống; Xây dựng chuẩn đầu ra cho một số nghề; Công tác đào tạo thường xuyên (đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nghiên cứu mô hình đào tạo cho công nhân tại các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thay đổi công nghệ; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho hội viên về đảm bảo chất lượng; Việc đề xuất về tôn vinh, khen thưởng cho nhà giáo và người học nghề và phối hợp trong tổ chức thi tay nghề.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm và những ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu, đặc biệt là đối với những ý kiến, giải pháp để ổn định và phát triển hệ thống GDNN; đổi mới nâng cao chất lượng GDNN. Tổng cục sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đưa vào Chương trình công tác của năm 2018. Tổng Cục trưởng mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp trong quá trình chỉ đạo, điều hành của Tổng cục để GDNN vững vàng hội nhập với khu vực và thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đạt được mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.

VPTCGDNN