Cập nhật ngày: 14/01/2018

 GD&TĐ - Ngày 12/1, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo đánh giá hiệu quả giai đoạn 1 của dự án hợp tác đào tạo nghề Việt Nam – Đan Mạch. 

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các nhà lãnh đạo giáo dục của Đan Mạch và Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các nhà hoạch định chính sách, các trường dạy nghề và doanh nghiệp đã cùng ngồi lại để rà soát, đánh giá hiệu quả cũng như tìm cách tháo gỡ các nút thắt khó khăn của dự án.
Ông Joern Skovsgaard, cố vấn cao cấp – Bộ Giáo dục Đan Mạch giới thiệu về chương trình làm việc
 
 

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong các nước Đông Nam Á được Đan Mạch lựa chọn hợp tác ngành chiến lược về đào tạo nghề.

Dự án này đã triển khai hơn một năm đồng thời tại bốn trường (Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội; Cao đẳng Nghề TPHCM; Cao đẳng Nghề Công nghiệp và Nông Lâm Đông Bắc; Cao đẳng Nghề Công nghiệp và Nông Lâm Nam Bộ). Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1.

Được khởi động từ năm 2017 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các cấp chính quyền, các trường đào tạo nghề và các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của sinh viên, giúp họ đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Dự án đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Bà Lise Lotte Toft – Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế - Bộ Giáo dục Đan Mạch phát biểu tại hội thảo

 “Mọi hoạt động dự kiến của dự án như thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề địa phương (LOSC), tổ chức đánh giá trình độ kỹ năng lao động, xây dựng chương trình đào tạo, phát triển năng lực (giảng viên, người hướng dẫn thực tập tại công ty, cấp quản lý) đều đã thực hiện thành công.

Tất cả các bên liên quan trong dự án đều đã tham dự tích cực cũng như kênh đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế đã được thiết lập” - Bà Lise Lotte Toft, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế - Bộ Giáo dục Đan Mạch cho hay.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ về những khó khăn và thách thức của dự án

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cũng đánh giá cao hiệu quả đạt được của dự án.

Ông cho biết: "Đan mạch giúp hỗ trợ trong việc đào tạo nghề là cơ hội mới cho sinh viên ngành nội thất và thiết kế đồ họa. Đây là một hướng đi đúng, giúp hỗ trợ đầu ra của nền giáo dục nghề tốt hơn”.

Bên cạnh những thành công, các đại biểu cũng cho rằng dự án vẫn có nhiều thách thức do sự thiếu niềm tin của xã hội với chất lượng giáo dục, ngoài ra còn có vấn đề thiếu vốn, nguồn nhân lực… 

Tiến Sĩ Nguyễn Gia Phúc -Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội, phát biểu về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tham gia dự án

Chính vì vậy, hội thảo lần này cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp thiết thực giúp tăng cường gắn kết các trường dạy nghề với khối doanh nghiệp, cải tiến chương trình đào tạo, chú trọng cả vào đào tạo kỹ thuật và kỹ năng mềm cho sinh viên, học viên sao cho phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu về những khuyết điểm của lao động trẻ hiện nay và hy vọng dự án sẽ góp phần giải quyết các vấn đề này

Trong năm 2018, dự án sẽ đi vào giai đoạn thử nghiệm với các cấu trúc và phương pháp tiếp cận mới. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, cộng với sự giúp đỡ tận tâm và sâu sát của nước bạn Đan Mạch, dự án sẽ tạo ra một động lực mới cho quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở nước ta. Qua đó giúp cải thiện cả về chất và lượng của lực lượng lao động, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắc khe của thị trường.

Theo Hòa Đặng/giaoducthoidai.vn