Cập nhật ngày: 11/11/2017

Ngày 8/11 tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ (GDNN) chức “Hội nghị tập huấn công tác học sinh, sinh viên (HSSV) các trường cao đẳng, trung cấp”.

Tham dự Hội nghị  có trên 420 đại biểu là lãnh đạo gồm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, các đồng chí chuyên viên các phòng chuyên môn, các Sở LĐ-TB&XH và cán bộ, nhà giáo của các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

 

HS-SV cần chuyển đổi tư duy từ đi tìm việc sang tự tạo việc làm  - Ảnh 1

Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN phát biểu khai mạc hội thảo

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng Cục trưởng cho biết, ngày nay, trước sự tiến bộ khoa học công nghệ, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo cho lớp trẻ  những cơ hội tuyệt vời trong việc lựa chọn, phát triển nghề nghiệp và phát huy tiềm năng cũng như khả năng sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, theo bà Nga, đang có thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục nghề nghiệp trong việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ trể là những học sinh, sinh viên biết cách tận dụng hiệu quả những cơ hội này. "Không những phải có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, phù hợp với thời đại và điều kiện của về văn hoá, kinh tế, xã hội của đất nước mà còn phải được trang bị những kỹ năng thiết yếu nhằm nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của khoa khọc công nghệ, khoa học quản lý và quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước và hội nhập quốc tế như nhóm kỹ năng thiết yếu tại nơi làm việc, nhóm kỹ năng nhận thức, nhóm kỹ năng thích ứng linh hoạt, nhóm kỹ năng ứng xử con người..."- bà Nga lo ngại.

Nhấn mạnh tới việc Chính phủ đang chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, bà Nga cho rằng, ngành giáo dục nghề nghiệp trước thách thức thực hiện nhiệm vụ giáo dục người học chuyển đổi từ tư duy chờ xin việc, đi tìm việc sang tư duy tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng sau khi tốt nghiệp ra trường, đó là việc trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức, kỹ năng hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp theo tinh thần nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Cũng theo bà Mai Thúy Nga, những thách thức và nhiệm vụ đặt ra, ngoài việc phải đổi mới nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình; đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất và các điều kiện giảng dạy khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chúng ta cần phải có những nội dung công tác học sinh, sinh viên làm cơ sở để thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện giúp và quản lý học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đạt được năng lực, phẩm chất toàn diện theo tinh thần của nghị quyết 29 nói trên. Chính vì vậy, nhiệm vụ triển khai và thực thiện tốt công tác học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần giúp người học có phẩm chất và năng lực công dân đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá, công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay là hết sức quan trọng.

 

HS-SV cần chuyển đổi tư duy từ đi tìm việc sang tự tạo việc làm  - Ảnh 2

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Tổng cục GDNN phát biểu tại hội thảo

 Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Tổng cục GDNN cho biết thêm, Mục đích của hội thảo nhằm phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, quy định về công tác học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trang bị và nâng cao kỹ năng cần thiết thực hiện công tác học sinh, sinh viên, từ đó hình thành đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác học sinh, sinh viên có chất lượng trong các trường cao đẳng, trung cấp.Thảo luận, đề xuất phương hướng, sáng kiến nhằm thực hiện hiệu quả công tác học sinh, sinh viên trong thời kỳ mới.

VỤ CÔNG TÁC HSSV, TỔNG CỤC GDNN