Cập nhật ngày: 07/11/2017

Ngày 06/11, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Tham dự phiên họp có TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện một số Vụ, đơn vị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; TS Trần Đình Châu, Chánh Văn phòng Cơ quan thường trực Hội đồng Quốc gia và Phát triển nhân lực; PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; các thành viên của Tiểu ban, các chuyên gia và nhà khoa học.

Từ trái qua phải: PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và PGS.TS Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tại phiên họp của Tiểu ban

Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các thành viên của Tiểu ban và đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp đã thống nhất tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực 4 nhóm vấn đề chính để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN về văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương, chính sách đối với nhà giáo, người lao động qua đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động, đổi mới cơ cấu, phương thức cấp kinh phí và đầu tư ngân sách nhà nước cho GDNN; tăng cường tính tự chủ của cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội và nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững thông qua tăng cường công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, công tác hướng nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội nghề nghiệp tham gia xây dựng chính sách phát triển GDNN; có chính sách cụ thể về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN.

Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, TS Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, phát triển hệ thống GDNN cần được chú trọng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhân lực cho sự phát triển kinh tế đất nước. Để thực hiện được điều đó, cần đổi mới hơn nữa về cơ chế quản lý nhà nước, xây dựng, ban hành chính sách mở, thông thoáng tạo điều kiện để các cơ sở GDNN được tự chủ toàn diện; cần có chính sách cụ thể về phân luồng học sinh vào học GDNN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo với sử dụng.

VP TCGDNN