Cập nhật ngày: 26/10/2017

  “Các yêu cầu xanh sẽ được lồng ghép vào các tiêu chuẩn về bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiêu chuẩn đầu ra và tiêu chí kiểm định.”- Tiến sĩ Trương Anh Dũng- Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu.

 Nâng cao nhận thức và đưa ra các khuyến nghị cụ thể tới cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các cơ sở GDNN là mục tiêu của hai cuộc hội thảo về "Xanh hóa Hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế xanh" được tổ chức tại Vĩnh Phúc vào ngày 24 tháng 10 và tại Đồng Nai ngày 26 tháng 10 năm 2017 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN) và "Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH đồng tổ chức trong khuôn khổ hợp tác phát triển Việt Nam- CHLB Đức.  Với sự đồng chủ trì của Tiến sĩ Trương Anh Dũng- Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN và bà Britta van Erckelens-Phó giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam và sự có mặt của lãnh đạo UNBD tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo một số sở LĐTBXH, đã có hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của 70 trường cao đẳng nghề tham gia hai hội thảo.  

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

 Một số nội dung quan trọng như yêu cầu của nền kinh tế xanh đối với hệ thống GDNN, các hoạt động đã được triển khai trong hệ thống GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế xanh, các phương án tích hợp những yêu cầu của nền kinh tế xanh vào tiêu chuẩn GDNN, vai trò của doanh nghiệp trong xanh hóa đào tạo nghề và xanh hóa cơ sở GDNN một cách toàn diện đã được các chuyên gia Đức trình bày và các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Bà Britta van Erckelens trao đổi nội dung hội thảo với bà Phạm Hòa Hiệp về các hoạt động hỗ trơ xanh hóa GDNN của Chương trình GIZ-TVET

 Bà Britta van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam phát biểu khai mạc: "Điều này [Xanh hóa hệ thồng giáo dục nghề nghiệp] chỉ có thể thực hiện được khi có sự hợp tác của các doanh nghiệp." Dựa vào kinh nghiệm từ phía Đức, chuyên gia Jan-Hendrik Aust khẳng định nhu cầu công việc "xanh" mới phải được phản ánh trong tiêu chuẩn nghề nghiệp: "Khối doanh nghiệp phải là những người có tiếng nói quyết định trong xây dựng các chuẩn đầu ra có tích hợp các yếu tố xanh." Các cơ chế và quy trình ở cả cấp hệ thống và cơ sở để khối doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các chương trình đào tạo và các tiêu chuẩn nghề nghiệp liên quan. 

 

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương trình bày về một số hoạt động xây dựng năng lực xanh đã được triển khai tại VCMI

 "Các cơ sở GDNN là nhân tố chủ chốt cung cấp lực lượng lao động xanh cho nền kinh tế xanh không chỉ hôm nay mà còn trong tương lai", Tiến sĩ Klaus-Dieter Mertineit, chuyên gia về xanh hóa đào tạo nghề nhấn mạnh. Các cơ sở GDNN cần trở thành những hình mẫu thân thiện với sinh thái và đóng vai trò tích cực trong các chiến dịch nâng cao nhận thức cho các học viên, cán bộ giảng dạy và quản lý cũng như cộng đồng. Hơn nữa, các hoạt động trồng cây xanh cần trở thành một phần của đời sống trường học và có thể triển khai cùng các công ty đối tác. 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Đồng Nai

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Vĩnh Phúc

 Kết thúc hai hội thảo, tiến sĩ Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh "Các yếu tố xanh cần được lồng ghép vào giáo dục nghề nghiệp ở cả cấp hệ thống và cơ sở. Ở cấp hệ thống, các khía cạnh xanh sẽ được đưa vào các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng nội bộ của cơ sở GDNN, chuẩn đầu ra và tiêu chí kiểm định. Ở cấp cơ sở, các trường có thể bắt đầu các bước đầu tiên trong việc làm xanh khuôn viên, chương trình đào tạo và thực tiễn quản lý hoạt động của nhà trường".

VPTCGDNN