Cập nhật ngày: 25/10/2017

Ngày 11-12/10 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Ngân Hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Chương trình Hợp tác khu vực ASEAN về Giáo dục nghề nghiệp của chính phủ Đức (RECOTVET) cùng phối hợp tổ chức sự kiện cấp cao với chủ đề “Kiến tạo nhân tài cho cách mạng công nghiệp 4.0” tại khách sạn InterContinential, Hà Nội.

 

 
Toàn cảnh Hội nghị phiên khai mạc.
 
Đây là Hội nghị Đối thoại Chính sách khu vực ASEAN về Giáo dục Nghề nghiệp lần thứ 6 của RECOTVET, cũng là Hội thảo Chuyên gia thường niên lần thứ 9 của Mạng lưới Chính sách Khu vực Đông Nam Á thuộc OECD về Giáo dục và Kỹ năng .
 
Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cùng 60 quan chức cấp cao đến từ 9 quốc gia ASEAN và một số quốc gia khác cùng đại diện các tổ chức ADB, ILO, BIBB, UNESCO, cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực.
 
 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị.

Biến thách thức thành cơ hội
 
Phát biểu lễ khai mạc, Thứ trưởng Lê Quân cho biết “Trong bất kỳ thời đại nào thì nguồn nhân lực cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Đặc biệt trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cũng tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó. Vấn đề không chỉ đặt ra với nhân lực trong các ngành mũi nhọn, các công việc nghiên cứu hay liên quan trực tiếp đến máy tính, tới công nghệ thông tin mà trong tất cả các lĩnh vực, ở mọi tầng nấc, kể cả đối với nhóm lao động giản đơn – nhóm chiếm tới trên 50% ở khu vực ASEAN. Công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người được tiếp cận, chia sẻ, giao lưu, phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại.
 
Thời gian gần đây, cụm từ cách mạng công nghiệp được nhắc tới trên nhiều diễn đàn, và là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng. Một điều thường được đề cập khi nói về cuộc cách mạng này là nguy cơ mất việc làm hàng loạt trong nhiều ngành sản xuất, dịch vụ với sự xuất hiện của người máy và sự dịch chuyển các cơ sở chế tạo từ các nước đang phát triển trở về các nước phát triển. Những cảnh báo đó không phải không có cơ sở. Nhưng cũng như các cuộc cách mạng trước đây, luôn có ngành, việc làm mất đi và nhiều ngành, việc làm mới sẽ ra đời, phát triển. Ai là người chủ động, sẵn sàng cho sự thay đổi đó sẽ giành được lợi thế…
 
Chúng ta chuẩn bị hành trang cho tương lai bằng việc tối ưu hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện tại: từ chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (giáo viên, quản lý, sinh viên), hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn… Và còn một yêu cầu rất quan trọng, không thể không nhắc tới, đó là giáo dục, rèn luyện ý thức công dân toàn cầu cho người học, người lao động. Đổi mới giáo dục đào tạo, đầu tư vào phát triển kỹ năng nghề, vào nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung  rút ngắn được khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến”. 
 
 
Bàn chủ tọa phiên làm việc đầu tiên của Hội nghị Đối thoại chính sách khu vực về Giáo dục nghề nghiệp Lần thứ 6.
 
Hội nghị gồm nhiều phiên làm việc, được tiến hành song song với sự trình bày của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục dạy nghề cũng như lao động việc làm. Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ phát triển và điều phối nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào để đáp ứng nhu cầu hiện tại, làm thế nào để giáo dục nghề nghiệp có thể tận dụng được những tiến bộ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình đào tạo nghề, làm thế nào để đồng bộ hóa công tác đào tạo cho giáo viên dạy nghề, thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0… là những nội dung chính được thảo luận nhằm giúp các nước ASEAN có thể biến thách thức thành cơ hội, chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
 
Các đại biểu đến từ 15 quốc gia chụp ảnh lưu niệm.

Học hỏi kinh nghiệp mô hình giáo dục “kép” của nước Đức
 
Nước Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng về kinh tế nghiêm trọng cách đây 10 năm, giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống 6% nhờ vào hệ thống giáo dục và đào tạo nghề hiệu quả. Đào tạo nghề ở nước Đức kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, tư nhân và các Hiệp hội nghề nghiệp.
 
Mỗi năm, nước Đức có tới nửa triệu thực tập sinh thực hành tại các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất.
 
Các doanh nghiệp Đức, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tích cực vào quá trình đào tào nghề, họ tuyển dụng 70% thực tập sinh đã từng đến làm việc tại đơn vị mình.
 
Các công ty của Đức đầu tư đáng kể trong đào tạo nghề, họ cung cấp nhà xưởng, trang thiết bị, vật liệu cho đào tạo, thực hành, thậm chí họ có thể chi trả một phần lương cho giáo viên và lương cho thực tập sinh. 
 
Thông thường, chi phí để đào tạo nghề tại nước Đức 50% chi phí đến từ ngân sách Nhà nước và 50% đến từ các doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề của Nhà nước cung cấp lý thuyết, doanh nghiệp trao cơ hội thực hành cho các học viên.
 
Tuy nhiên, đầu tư này là hoàn toàn xứng đáng vì doang nghiệp có thể tuyển dụng được lao động có trình độ và tay nghề, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của mình.
 
Thông qua Phòng thương mại và công nghiệp, giáo viên dạy nghề sẽ đưa ra các yêu cầu thực tế đối với học viên học nghề. Để tốt nghiệp, học viên sẽ phải trải qua 2 kỳ thi của quốc gia và của Phòng thương mại và công nghiệp.
 
Lao động có kỹ năng và tay nghề của nước Đức phải có trách nhiệm với các máy móc có giá trị hàng triệu đô la, phải hiểu rõ công việc của mình chứ không phải chỉ là người phân biệt đèn xanh với đèn đỏ.
 
Ở Đức, giấy chứng nhận và bằng cấp về đào tạo nghề được quốc gia công nhận. Người lao động hoàn toàn có thể thay đổi nơi làm việc, từ doanh nghiệp này chuyển sang doanh nghiệp khác nếu muốn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư đào tạo nghề, Chính phủ Đức có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu tiên tuyển chọn nhân sự, giảm thuế.
 
Đào tạo nghề “kép” phát triển sẽ thúc đẩy hệ thống giáo dục nghề phát triển. Tất cả các bên liên quan đều có lợi từ đầu tư “kép” này.
 
 
Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo nghề "kép" của nước Đức.
  
Nếu chúng ta có hệ thống đào tạo nghề tốt sẽ đảm bảo thành công lâu dài, tỷ lệ thất nghiệp thấp, người trẻ có cơ hội nghề nghiệp, triển vọng tốt, thậm chí, có thể mở doanh nghiệp riêng, điều này thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển.
 
Đã đến lúc, xã hội cần chấp nhận những phương pháp giáo dục thực hành trực tiếp chứ không chỉ là giáo dục lý thuyết suông. Nhà nước và doanh nghiệp cần bình đẳng trong các chương trình đào tạo nghề.
 
Những chia sẻ về giáo dục nghề “kép” của nước Đức thực sự là một kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
 

  
Bà Miranda Kwong – chuyên gia kinh tế,Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam trả lời chất vấn của các đại diện trường nghề.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế và giáo dục đào tạo nghề đến từ Indonesia, Thailand, Philippin, Malaysia… cũng đã chia sẻ những mô hình đào tạo nghề tại nước mình và cùng đưa ra các giải pháp để kiến tạo nhân tài cho cách mạng công nghiệp 4.0.
 


Phiên làm việc thứ hai về đào tạo những kỹ năng cần thiết cho giáo viên dạy nghề trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 

Theo Thanh Huyền/GĐ&TE