Cập nhật ngày: 16/07/2017

Ngày 14/7/2017, tại Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức Hội thảo sơ kết đánh giá một năm tình hình thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có TS. Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, TS. Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đại diện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính Tổng cục Dạy nghề và đại diện 3 trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo từng nội dung của Quyết định đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama II và Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn.

 

TS. Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng cho rằng, hầu hết các đơn vị đều nhận thức chưa đúng về tự chủ. Nhiều trường lo lắng là khi tự chủ sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Còn các cơ quan quản lý thì lo ngại rằng tự chủ sẽ mất chức năng quản lý. Ở đây, cần hiểu định hướng tự chủ của các đơn vị không có nghĩa là giảm ngân sách nhà nước mà là cơ cấu lại theo hướng hiệu quả, công bằng hơn, tạo động lực phát triển cho các đơn vị. Trong thời gian tới Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để chuyển đổi phương thức cấp ngân sách nhà nước theo đầu vào hiện nay sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công GDNN, như: Ban hành danh mục ngành nghề đào tạo sử dụng NSNN. Xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, khung giá dịch vụ và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong GDNN. Khi các trường tiến hành tự chủ là phải tăng học phí để bù đắp chi phí, trong khi đó đa số những học viên học GDNN đều là con em nông thôn, miền núi, hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà trường và học viên, Tổng cục Dạy nghề đưa ra hai giải pháp: Trước hết, đối với nhà trường, giá dịch vụ đào tạo (học phí) sẽ được tính đủ chi phí dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật. Nhà trường được thu học phí đủ trang trải chi phí, đảm bảo chất lượng đào tạo. Giải pháp thứ hai là Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành như miễn giảm, cấp bù học phí cho các đối tượng yếu thế học tại các CSGDNN. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục đề xuất, thực hiện các chính sách mới để hỗ trợ các đối tượng như ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN (quy định các ngành nghề và các đối tượng người học do NSNN đảm bảo hoặc hỗ trợ); phát triển dịch vụ sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo; mở rộng đối tượng được vay tín dụng để có khả năng tài chính tham gia học tập...

Toàn cảnh Hội thảo

          Bà Khương Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo đánh giá tình hình sau hơn 01 năm thực hiện thí điểm cho biết: nhìn chung các trường đã có những chuyển biến tích cực trong các hoạt động của nhà trường. Về thực hiện nhiệm vụ, các trường đã được chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp. Về tổ chức, nhân sự, đã từng bước thực hiện rà soát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức và biên chế, thực hiện sắp xếp lại một số vị trí việc làm theo hướng hợp lý hóa, tinh gọn, hiệu quả; chủ động thành lập phòng, ban trung tâm thuộc nhà trường để thuận lợi cho việc điều hành và nắm bắt các cơ hội phát triển cho trường. Cả ba đơn vị đã kiện toàn và phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo của Hội đồng trường; duy trì thực hiện cơ chế giám sát theo quy định; Về tài chính: Nguồn thu sự nghiệp từ học phí và thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ được tăng cường, thu nhập cán bộ giáo viên được cải thiện.

Trong thời gian làm việc tại Quy Nhơn, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh dẫn đầu đoàn đại biểu của Tổng cục Dạy nghề tới thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ của tỉnh Bình Định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Định: