Cập nhật ngày: 06/07/2017

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH )hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN). Nghị định này được hi vọng là bước đột phá với cơ chế thông thoáng, thuận lợi, xóa bỏ lo ngại của các CSGDNN khi tự chủ. Đây cũng là nội dung trong cuộc trao đổi giữa phóng viên TBTCVN và ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH.

PV: Thưa ông, cơ chế tự chủ các CSGDNN được triển khai từ năm 2006 theo Nghị định số 43/2006/NĐ - CP, nhưng đến nay, hầu hết các CSGDNN đều tự chủ rất chậm. Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Việc các CSGDNN chậm triển khai cơ chế tự chủ bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, về nguyên nhân chủ quan, hầu hết các CSGDNN  đều nhận thức chưa đúng về tự chủ. Nhiều trường lo lắng là khi tự chủ sẽ không được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ. Còn các cơ quan quản lý thì lo ngại rằng tự chủ sẽ mất chức năng quản lý.  Ở đây, cần hiểu định hướng tự chủ cho các đơn vị không có nghĩa là giảm NSNN mà là cơ cấu lại theo hướng hiệu quả, công bằng hơn, tạo động lực phát triển cho các đơn vị.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh

Ngoài ra còn nguyên nhân bắt nguồn từ cơ chế chính sách. Đơn vị chưa được giao quyền tự chủ đồng bộ về xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự  và tài chính. Các trường nghề bị khống chế chỉ tiêu đào tạo và mức thu học phí theo khung quy định. NSNN vẫn thực hiện cấp phát theo cách bình quân, theo các yếu tố đầu vào, chưa gắn kết việc giao kinh phí cho đơn vị với số lượng, chất lượng dịch vụ GDNN theo đầu ra...Cùng với đó, các trường cũng chưa chủ động khai thác các thế mạnh về cơ sở vật chất, giáo viên của trường để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với đào tạo.

Nguyên nhân khách quan, các trường thuộc hệ thống GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về quy mô tuyển sinh thấp do tâm lý người học và gia đình không muốn học nghề. Đối tượng học nghề chủ yếu là người có thu nhập thấp, dẫn đến nguồn thu học phí thấp, trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành cao. Mức học phí không đủ bù đắp chi phí đào tạo.

 

 

PV: Như ông vừa nói về nguyên nhân việc khó tự chủ của GDNN là học viên học nghề đều là con em nông thôn, miền núi, hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, việc các trường phải tăng học phí để bù đắp chi phí là rất khó. Vậy, Tổng cục GDNN đưa ra những giải pháp gì để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà trường và người học?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa CSGDNN và học viên, Tổng cục Dạy nghề đưa ra hai giải pháp. Trước hết, đối với CSGDNN, giá dịch vụ đào tạo nghề nghiệp sẽ được tính đủ chi phí dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật. Nhà trường được thu học phí đủ trang trải chi phí, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Giải pháp thứ hai là Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành như miễn giảm, cấp bù học phí cho các đối tượng yếu thế học tại các CSGDNN. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục đề xuất, thực hiện các chính sách mới để hỗ trợ các đối tượng như ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN (quy định các ngành nghề và các đối tượng người học do NSNN đảm bảo hoặc hỗ trợ); phát triển dịch vụ sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo nghề nghiệp; mở rộng đối tượng được vay tín dụng để có khả năng tài chính tham gia học tập ...

 

 

PV: Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của CSGDNN. Ông có thể cho biết, lộ trình tự chủ của các CSGDNN như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, đơn vị được tự chủ ngay khi Nghị định có hiệu lực thi hành.

 

 

Lộ trình tự chủ về tài chính đối với các cơ sở GDNN công lập thực hiện theo hướng: Đối với chi thường xuyên, NSNN tiếp tục cấp chi thường xuyên GDNN cho các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2018-2020 với mức cấp hàng năm tối đa bằng năm trước liền kề (2017); mặt khác yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải cơ cấu lại chi thường xuyên, giảm dần tỷ lệ cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trực thuộc theo đầu vào như hiện nay và tăng dần tỷ lệ ngân sách dành cho đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ công dựa trên cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả và kết quả đầu ra theo lộ trình: năm 2018 khoảng 20-30%; năm 2019 khoảng 30-50%; năm 2020 khoảng 50-80% ngân sách để thực hiện đấu thầu, đặt hàng.

Đối với chi đầu tư và phát triển, các dự án đầu tư phát triển sử dụng ngân sách nhà nước, CSGDNN xây dựng, thực hiện theo quy định tại Luật đầu tư công. Các dự án đầu tư phát triển không sử dụng NSNN thì CSGDNN được tự chủ quyết định danh mục, dự án đầu tư và các hoạt động liên quan. Cùng với đó, các CSGDNN phải hoàn tất thủ tục để thống nhất từ năm 2018 giao quyền tự chủ toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và biên chế cho các cơ sở GDNN công lập.

Ngoài ra, những đơn vị này còn được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Các CSGDNN có điều kiện tốt được khuyến khích thành lập trung tâm dịch vụ thực hành sản xuất để hoạt động dịch vụ, cho thuê cơ sở vật chất và thiết bị. Các CSGDNN có điều kiện chưa tốt được phép thuê lại với giá ưu đãi.

 

Cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) được Chính phủ quyết định thực hiện từ năm 2006 theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, nhưng hiện nay chỉ có 3 trường đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn và Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Bùi Tư/ thoibaotaichinh.vn