Cập nhật ngày: 15/06/2017

Hội nghị khu vực về đào tạo nghề năm 2017 đã chính thức được khai mạc vào sáng ngày 13/06/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia II, Nay Pyi Taw, Myanmar. Đây là Hội nghị khu vực về đào tạo nghề lần thứ tư và cũng là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các Hội nghị khu vực về đào tạo nghề được tổ chức trong khu vực ASEAN trong vòng 5 năm trở lại đây.

Hội nghị khu vực vể đào tạo nghề lần này được tổ chức bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo Myanmar phối hợp với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Năm nay, nội dung thảo luận của hội nghị tập trung vào các cơ hội và thách thức chính đối với các nhà hoạch định chính sách, những người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề ở cấp quốc gia và cấp khu vực ASEAN với ba trọng tâm: (i) Thị trường lao động và kỹ năng trong kỷ nguyên số; (ii) Gắn kết bền vững với khối doanh nghiệp trong đào tạo nghề; và (iii) Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo nghề trong thế kỷ 21.

Nội dung làm việc của hội nghị bao gồm các phiên thảo luận toàn thể, lắng nghe góp ý từ các diễn giả, và các hoạt động nhóm. Toàn bộ các hoạt động tổ chức và thực hiện hội nghị đều nhằm mục đích thúc đẩy sự tương tác, đạt được kết quả, và lồng ghép các chủ đề xuyên suốt trong suốt quá trình thảo luận.

Tham dự sự kiện này, đoàn Việt Nam do PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề dẫn đầu đã tham gia tích cực vào các phiên thảo luận của Hội nghị trong ngày làm việc đầu tiên. TS. Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề cùng tham gia đoàn và có bài trình bày về “Tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp vào đào tạo nghề, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và đánh giá trong đào tạo nghề”.

PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trong phiên thảo luận ngày 13/06/2017

Hội nghị sẽ diễn ra trong ba ngày từ 13 - 15/06/2017 với nhiều nội dung thảo luận sâu vào các chủ đề trọng tâm và các hoạt động bên lề khác.

VNCKHDN