Cập nhật ngày: 09/06/2017

 

Ngày 08/6/2016 tại thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị “Định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020” khu vực Bắc trung Bộ, Duyên hải, Miền trung, Tây nguyên. Tham dự chỉ đạo Hội nghị có TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, TS. Trương Anh Dũng Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng và lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Ban Quản lý các dự án dạy nghề vốn chương trình mục tiêu quốc gia; Lãnh đạo một số UBND tỉnh, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng dạy nghề các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của 130 trường cao đẳng, trung cấp trong khu vực.

 

TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Đại diện Lãnh đạo các Vụ đã trình bày báo cáo 5 chuyên đề về: Định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và định hướng điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 -2020; Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xác định ngành, nghề trọng điểm; cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận sâu về các nội dung liên quan đến điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm.

 

TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu kết luận Hội nghị

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng đã nhấn mạnh việc điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm là yêu cầu quan trọng, cần bám sát với nhu cầu thị trường lao động. Tổng Cục trưởng đề nghị sau Hội nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm việc với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để thống nhất đề xuất điều chỉnh các ngành, nghề trọng điểm. Trên cơ sở phản hồi từ cơ sở, Tổng cục Dạy nghề sẽ nghiên cứu, hội thảo và đề xuất Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định ban hành quy định ngành, nghề trọng điểm.

 

 

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn chương trình mục tiêu quốc gia- Tổng cục Dạy nghề trình bày báo cáo rà soát đánh giá kết quả thực hiện nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm giai đoạn 2011 - 2016; định hướng điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chon ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020

Về vận hành hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Luật giáo dục nghề nghiệp, Tổng Cục trưởng đã thông báo về các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để phục vụ triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Dạy nghề đã tập trung làm các thủ tục chuyển đổi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhưng các trường vẫn còn chậm đăng ký hoạt động theo Luật giáo dục nghề nghiệp; Các trường cần khẩn trương tập trung hoàn thành việc đăng ký trước 30/6/2017. Trường nào có nhu cầu đổi tên trường cũng phải thực hiện sớm. Về công tác tuyển sinh, Tổng cục Dạy nghề đã có nhiều giải pháp như: tăng cường chỉ đạo và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan báo chí hỗ trợ công tác tuyển sinh; đặc biệt Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Báo Tuổi trẻ xây dựng Trang thông tin tuyển sinh, đề nghị các trường khẩn trương cập nhật thông tin và kết nối với Website của nhà trường. Tổng cục Dạy nghề đang nỗ lực trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”. Đối với việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở địa phương, các sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô,... Căn cứ vào công văn hướng dẫn của Bộ, các Tỉnh/thành phố tiến hành rà soát sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn, cho giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở yếu kém để mạng lưới được mạnh lên. Những địa phương có nhu cầu mở trường thì trường phải thực hiện tự chủ. Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần sớm gửi báo cáo quy hoạch mạng lưới về Tổng cục Dạy nghề làm cơ sở cho Tổng cục Dạy nghề hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới để trình Chính phủ quyết định ban hành. Các sở và các trường phải tập trung vào nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn; xác định nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của trung ương và địa phương. Các cơ quan chủ quản và các trường phải tiếp tục chú trọng tới hoạt động đào tạo gắn với doanh nghiệp. Xác định tự chủ là trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo; tự chủ sẽ tạo cho trường năng động hơn. Các trường cần phải có nhận thức, hiểu đầy đủ về tự chủ bao gồm: tự chủ thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính./.

 

                                                                                                                                           VPTCDN