Cập nhật ngày: 23/05/2017

 Sáng 23/5/2017 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt chương trình đào tạo Kỹ sư thực hành nghề Kỹ thuật điện theo tiêu chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là chương trình đào tạo nằm trong khuôn khổ hợp tác của dự án FiVe giữa Trường CĐN Bách khoa Hà Nội và  Học viện Quốc gia về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực LAK, CHLB Đức. Tới dự Lễ ra mắt chương trình có PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Bà Elisabeth Moser, Hiệu trưởng Học viện Quốc gia về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực LAK, CHLB Đức; TS Nguyễn Khắc Kiểm, Hiệu trưởng Trường CĐN Bách khoa Hà Nội; cùng đại diện các doanh nghiệp, các đối tác trong khuôn khổ hợp tác của Dự án FiVe, Tổ chức GIZ Việt Nam, Viện nghiên cứu Khoa học Dạy nghề; Ban giám hiệu, Lãnh đạo trường CĐN Bách khoa Hà Nội...

  TS Nguyễn Khắc Kiểm, Hiệu trưởng Trường CĐN Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc và chào mừng

   Phát biểu Khai mạc và chào mừng tại buổi ra mắt, TS Nguyễn Khắc Kiểm, Hiệu trưởng Trường CĐN Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường CĐN Bách khoa Hà Nội, với số lượng tuyển mới hàng năm là hơn 2000 sinh viên, hơn 1000 sinh viên tốt nghiệp đã đóng góp không nhỏ trong việc cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực tay nghề chất lượng cao, đặc biệt là những ngành nghề kỹ thuật. Tháng 11/2006, Dự án xây dựng chương trình đào tạo nghề nâng cao gắn với nhu cầu doanh nghiệp ở Việt Nam (Gọi tắt là Dự án FiVe) được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức, đã được ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Quốc gia về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực LAK, CHLB Đức và Trường CĐN Bách khoa Hà Nội. Ngay sau khi Thỏa thuận được ký kết, các bên đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện như chuẩn bị cơ sở vật chất, quy trình giám sát chất lượng, đào tạo đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo trong đó có sự hỗ trợ, phối hợp của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Đây chính là những điểm mấu chốt, quyết định đến thành công của dự án. TS Nguyễn Khắc Kiểm khẳng định Buổi Lễ ra mắt chương trình đào tạo khẳng định quá trình hợp tác tốt đẹp và lâu dài giữa Trường CĐN Bách khoa Hà Nội và các đối tác. Dự án FiVe sẽ mang đến cho sinh viên của trường những nền tảng tốt đẹp, tạo lợi thế giúp sinh viên của trường ngay sau khi tốt nghiệp dễ dàng đảm nhận các công việc quản lý bậc trung tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời  góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đem đến sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung.

  Bà Elisabet Moser, Học viện Quốc gia về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực LAK, CHLB Đức phát biểu tại buổi lễ

        

  PGS.TS  Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

         Phát biểu tại Lễ ra mắt chương trình Đào tạo. PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đánh giá cáo sự chủ động của Trường CĐN Bách khoa Hà Nội trong công tác hợp tác quốc tế, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thỏa thuận hợp tác giữa Trường và Học viện Quốc gia về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực LAK, CHLB Đức là dấu ấn mới trong hoạt động của nhà trường cũng như trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. PGS.TS Cao Văn Sâm cũng nêu rõ, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hội nhập quốc tế của Việt Nam đang là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Do đó, Dự án cần phải được triển khai một cách tích cực, khẩn trương để sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Nguồn nhân lực này, không chỉ được công nhận ở Việt Nam mà phải được thị trường lao động các nước tiên tiến chấp nhận. Để từ đó, những sinh viên này khi ra trường có kiến thức kỹ năng để hội nhập, có cơ hội việc làm rộng hơn. Một ý nghĩa cao hơn nữa là hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức là đối tác chiến lược, các doanh nghiệp của Đức đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều hơn nên Việt Nam cần có nguồn nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp của Đức đầu tư vào Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Đức đầu tư vào các nước thứ 3. PGS.TS Cao Văn Sâm khẳng định với mục tiêu và cách thức triển khai của dự án, chắc chắn dự án sẽ được triển khai thành công và mong muốn có nhiều dự án hợp tác tương tự để Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng.

  Ảnh toàn cảnh Lễ ra mắt

   VPTCDN