Cập nhật ngày: 03/05/2017

  Sáng ngày 28/4/2017, tại thành phố Vũng Tàu, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã tham dự và báo cáo với Ủy ban về Kế hoạch triển khai giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025. Cùng tham dự với Bộ trưởng có Chánh văn phòng Bộ Nguyễn Bá Hoan, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Phạm Quang Phụng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng và một số cán bộ chuyên môn của Bộ.

Toàn cảnh phiên làm việc

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã báo cáo tóm tắt với Ủy ban về Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025, trong đó nêu lên một cách khách quan về thực trạng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện nay cũng như những bất cập, tồn tại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong thời gian qua, từ đó Bộ đưa ra kế hoạch đổi mới một cách toàn diện, triệt để trong thời gian tới, bao gồm các giải pháp về công tác quản lý nhà nước; quan điểm, mục tiêu đổi mới trong thời gian tới và 10 giải pháp thực hiện trong đó có 3 giải pháp trọng tâm là: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường tính tự chủ, nâng cao chất lượng hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Về lộ trình thực hiện Đề án, ông Trương Anh Dũng cũng trình bày lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 2017-2018 tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp có định hướng đến 2030; thí điểm dần đến đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các trường cao đẳng ...; giai đoạn 2019-2020 sẽ tập trung xây dụng chuẩn kiến thức, kỹ năng ngành nghề đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao theo chuẩn khu vực Asean và quốc tế ...; giai đoạn sau năm 2020 sẽ tiếp tục thục hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu chung của đề án.

Bộ trưởng và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Phát biểu dẫn đề phiên thảo luận, đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung của đề án trong đó nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng như: nguồn kinh phí và quan điểm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; những chỉ đạo của Bộ LĐ-TBXH đối với địa phương trong việc sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN cũng như mô hình gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo trong việc tuyển sinh, đào tạo, sản xuất sản phẩm và Chính sách thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ...

Tại Hội nghị, 12 Đại biểu Quốc hội là thành viên của Ủy ban đã có ý kiến đóng góp cho Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và Đề án đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Các ý kiến đa số đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và những chỉ đạo kịp thời của Bộ LĐ-TBXH đối với lĩnh vực này, nhất là sau khi nhận sự phân công của Chính phủ về thống nhất quản lý toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị quyết của Chính phủ. “tính đến tháng 4/2017, Bộ LĐ-TBXH đã chủ trì trình các cấp ban hành và ban hành 37 văn bản bao gồm 4 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư, phối hợp với các Bộ ban hành 20 văn bản có nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghệp, nhất là kịp thời xây dựng dự thảo Đề án đổi mới để lấy ý kiến các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội và người dân ... cùng những chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao là điểm nhấn đáng ghi nhận đối với bản thân Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH trong thời gian qua...” Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đoàn thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, lộ trình thực hiện và tầm nhìn của đề án còn nhiều hạn chế, cần chia lộ trình theo mốc thời gian dài hơn, tầm nhìn xa hơn để đảm bảo tính ổn định của hệ thống, tránh việc phân khúc ngắn dẫn đến những xáo trộn không cần thiết trong quá trình đổi mới; Về các giải pháp thực hiện Đề án, một số ý kiến cũng cho rằng cần xác định giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, gắn kết doanh nghiệp với công tác đào tạo nghề, song song đó phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới có thể nâng cao hình ảnh và đảm bảo tính hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội

Phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội đến tất cả các lĩnh vực chức năng của ngành, nhất là sự tâm huyết của các Đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua. Tiếp thu các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tái khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và xác định lĩnh vực này là trọng tâm trong công tác của ngành thời gian tới, “Bộ và Bộ trưởng cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm cao để sớm hoàn chỉnh Đề án trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các Đại biểu, các chuyên gia và đông đảo các tầng lớp nhân dân, các Trường nghề, học viên ... đảm bảo khi Đề án được triển khai sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới” Bộ trưởng nhấn mạnh.