Cập nhật ngày: 05/04/2017

Ngày 05/4/2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2017, Tham dự Hội nghị có Giám đốc Sở LĐ-TBXH thành phố Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh; Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị; tham dự Hội nghị có đại biểu của các cơ sở, ngành của thành phố; hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể: 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 26 cơ sơ khác có đăng ký hoạt động dạy nghề; có 01 trường cao đẳng 100% vốn nước ngoài; cơ sở tư thục chiếm 64,62%. Tính đến ngày 31/12/2015, quy mô tuyển sinh đào tạo của 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 12.758 học sinh, sinh viên; trong đó, cao đẳng là 24.388 sinh viên, trung cấp là 11.252 học sinh.

Tại Hội nghị, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát biểu, thảo luận sâu sắc các nội dung liên quan đến triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp; công tác tuyển sinh học nghề; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (thứ 2 từ phải sang) tham gia chủ trì và chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo và trực tiếp giải đáp kiến nghị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã nhấn mạnh: Thời gian qua Sở LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 02 giám đốc Sở LĐ-TBXH và Sở GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp. Về công tác truyền thông: Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục có giải pháp hiệu quả để truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp hiệu quả, hệ thống góp phần cho công tác tuyển sinh. Thành phố Đà Nẵng phải làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm hiệu quả; có chỉ đạo và tạo điều kiện cho Trường Cao đẳng Đà Nẵng và có thể các trường cao đẳng khác phấn đấu trở thành trường chất lượng cao.

Việc phát triển chương trình được trao quyền cho các trường theo niên chế, theo mô-đun, theo chuẩn đầu ra. Việc chuyển đổi chương trình tức là kết cấu lại chương trình theo hướng thực hành. Năm 2017 sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra cho các nghề. Các chương trình chuyển giao từ ngước ngoài sẽ xin ý kiến Bộ để phổ biến cho các trường vận dụng thực hiện. Về phát triển giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Tổng cục Dạy nghề đã bố trí nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu, để đào tạo giáo viên; Sở LĐ-TBXH tập hợp nhu cầu đào tạo để phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức đào tạo bồi dưỡng; các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề tại các trường sẽ tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho giáo viên; Tổng cục Dạy nghề sẽ bố trí gửi giáo viên của các trường chất lượng cao đi nước ngoài đào tạo.

Các trường phải tiếp tục quan tâm phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo; thời gian tới sẽ có quy định danh mục những nghề phải qua đào tạo.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cũng đã giải đáp cụ thể về việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; về thành lập trường./.

                                                  VPTCDN