Cập nhật ngày: 31/03/2017

 Ngày 31/3/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 khu vực phía Nam. Tham dự chỉ đạo Hội nghị có TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; lãnh đạo các Vụ, Đơn vị của Tổng cục Dạy nghề và gần 700 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo sở, phòng quản lý dạy nghề các sở LĐTB&XH; hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký dạy nghề trình độ cao đẳng.

  TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu chỉ đạo Hội nghị

          Theo báo cáo công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016: Tính đến 31/12/2016, cả nước có 2.003 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Trường cao đẳng nghề là 190 trường, trong đó: 142 trường công lập, 48 trường tư thục. Trường cao đẳng là 197 trường, trong đó: 162 trường công lập, 34 trường tư thục, 01 trường bán công. Trường trung cấp nghề là 279 trường, trong đó: 175 trường công lập, 104 trường tư thục. Trường trung cấp chuyên nghiệp là 303 trường, trong đó: 175 trường công lập, 128 trường tư thục. Trung tâm dạy nghề/trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.034 trung tâm.

 

   TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (ngồi giữa) điều hành Hội nghị


       Để kịp thời chuẩn bị cho công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2016, Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ cho phép việc tuyển sinh năm 2016 tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật GDĐH và chỉ đạo các trường chủ động lập phương án, kế hoạch tuyển sinh năm 2016. Kết quả tuyển sinh năm 2016 được 2.367.654 người, trong đó: Trình độ cao đẳng (CĐ) và cao đẳng nghề (CĐN) là 241.411 sinh viên (CĐ đạt 149.852 sinh viên; CĐN là 91.559 sinh viên), chiếm 10,2% so với tổng số tuyển sinh năm 2016. Trình độ trung cấp nghề (TCN) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 290.231 học sinh (TCN là 147.096 học sinh; TCCN là 143.135 học sinh), chiếm 12,3% so với tổng số tuyển sinh năm 2016. Trong đó, học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222 học sinh, chiếm 40% so với tổng số học sinh vào học TCN và TCCN. Riêng đối với kết quả tuyển sinh học nghề năm 2016 được 2.074.667 người, trong đó: Trình độ CĐN và TCN là 238.655 người (chiếm 12,0% so với tổng số tuyển sinh học nghề năm 2016). Trình độ SCN và DN dưới 3 tháng là 1.836.012 người (chiếm 88% so với tổng số tuyển sinh học nghề năm 2016). Kết quả tuyển sinh năm 2016 đạt 96,5% so với kế hoạch đề ra (ở trình độ CĐN, TCN đạt 95,5%, trình độ SCN và DN dưới 3 tháng đạt 96,6%) và tăng so với năm 2015 là 4,8% (năm 2015 tuyển được 1.979.199 người, trong đó: trình độ CĐN, TCN là 210.104 người; trình độ SCN và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.769.095 người).

           Kết quả tốt nghiệp năm 2016 bao gồm cả CĐ, CĐN, TCN, TCCN, SCN và DN dưới 3 tháng đạt được 1.974.193 người, trong đó: Trình độ CĐ và CĐN là 172.051 sinh viên (CĐ ước đạt 107.893 sinh viên; CĐN là 64.158 sinh viên), chiếm 8,7% so với tổng số người tốt nghiệp các cấp trình độ. Trình độ TCN và TCCN là 205.374 học sinh (TCN là 99.454 học sinh; TCCN là 105.920 học sinh), chiếm 10,4% so với tổng số người tốt nghiệp. Tại lễ bế giảng, phát bằng tốt nghiệp cho HSSV nhiều trường đã mời doanh nghiệp tham dự để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với HSSV tốt nghiệp. Nhiều trường cũng đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho HSSV tốt nghiệp.

           Năm 2016 tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ CĐN, TCN có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng nghề ra trường có việc làm đạt 69 %, trung cấp nghề đạt 72%.

Về tiền lương, thu nhập của học viên qua đào tạo nghề: mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐN sau khi tốt nghiệp đạt 4,2 triệu đồng/tháng, học sinh TCN sau khi tốt nghiệp đạt 3,6 triệu đồng/tháng. Một số nghề có mức lương khá cao, như nghề: Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu); Vận hành cần, cẩu trục (4-7 triệu)...

Năm 2017, kế hoạch tuyển sinh trong GDNN là 2,2 triệu người, trong đó: tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 600 nghìn người; trong đó hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật khoảng 20 nghìn người).

 

  Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên báo cáo về công tác nghề đào tạo nghề cho Lao động nông thôn

Đại diện các Vụ, Đơn vị của Tổng cục Dạy nghề đã trình bày và trao đổi 04 chuyên đề: Đánh giá về công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2017; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Về những nội dụng cơ bản về công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng; danh mục ngành nghề đào tạo mã cấp IV; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và tổ chức đào tạo.

Hội nghị đã thảo luận và đưa ra các giải pháp để tăng cường công tác tuyển sinh, như: Tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả: Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Chỉ thị số 19 - CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện tốt Chỉ thị số 10 (nội dung phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề). Tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp; thông tin cho xã hội về tuyển sinh học nghề, kết quả và hiệu quả đào tạo nghề, tổ chức tư vấn về học nghề - việc làm trên các trang tin điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường; hình thành bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người học. Cần phải quy định danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo. Thực hiện tốt chính sách đối với học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp. Phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Các cơ sở GDNN cần phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ngành, nghề đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. 

Toàn cảnh Hội nghị

Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về các nội dung sâu về chuyên môn công tác tuyển sinh; công tác tổ chức đào tạo; chuyển đổi chương trình và đăng ký hoạt động chương trình; tiêu chuẩn nhà giáo và chế độ, chính sách cho người học.

Phát biểu kết luận hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Minh đã nêu rõ: từ sau khi Chính phủ chính thức giao Bộ LĐ-TBXH thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đây là lần thứ hai Bộ LĐ-TBXH tổ chức Hội nghị với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thể hiện rõ ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai thực hiện thành công Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian ngắn, Tổng cục Dạy nghề đã nỗ lực kịp thời xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tổ chức đào tạo; chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; chuyển đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tổ chức rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã trao đổi nhanh về chủ trương xây dựng Nghị định tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, tự chủ về bộ máy, tự chủ trong tổ chức đào tạo và cơ chế cấp phát kinh phí. Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh trong công tác tuyển sinh phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông cho công tác tuyển sinh; các cấp trong đó có các trường chủ động trong công tác tuyên truyền, phải hình thành mạng lưới công tác tuyển sinh để làm thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp đến từng cá nhân, tổ chức. Các sở LĐTBXH phải kết nối các trường trên địa bàn cùng thực hiện công tác tuyên truyền tuyển sinh. Trong công tác tuyên truyền phải tập trung tuyên truyền chính sách miễn giảm học phí cho người học nghề. Làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề. Tổng cục Dạy nghề sẽ đề xuất phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đánh giá việc thực hiện chỉ thị về công tác phân luồng của Ban Bí thư. Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề liên thông; các trường cần phải tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng vào đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cho đào tạo, chú trọng gắn với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau đào tạo. Hiệu trưởng phải cam kết việc làm sau tốt nghiệp cho người học. Các sở và các trường cần phải tập trung việc đăng ký hoạt động GDNN bao gồm cả chuyển đổi và đăng ký bổ sung; phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường và tiến hành đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về chỉ tiêu tuyển sinh. Các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương phải có trách nhiệm tổng hợp công tác tuyển sinh để phục vụ công tác quản lý ở trung ương.

VPTCDN