Cập nhật ngày: 30/03/2017


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng Ngài Đại sứ và các đồng sự
Sáng ngày 28/3/2017, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Christian Berger - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp còn có Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Quản lý Lao động ngoài nước.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào mừng Ngài Christian Berger và các đồng sự đã tới thăm và làm việc tại Bộ, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm. Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, Việt Nam đang tiến hành đưa điều dưỡng viên sang làm việc tại các cơ sở chăm sóc người già và bệnh viện tại Đức, tới nay đã có gần 500 điều dưỡng viên đã và đang chuẩn bị sang Đức làm việc. Đây là chương trình ưu việt, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài.

Về hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề giữa hai bên, các chương trình đầu tư của Đức tại Việt Nam đang triển khai có hiệu quả, đặc biệt là dự án dạy nghề sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức đã góp phần tích cực trong công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trong đó bộ chương trình dạy nghề của Đức đang được áp dụng thí điểm và thẩm định đưa vào giảng dạy tại các trường nghề.

Toàn cảnh buổi tiếp

Đối với định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ Đức tiếp tục thúc đẩy chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên và mở rộng đối với lao động trong ngành cơ khí, xây dựng và công nghệ thông tin. Bộ trưởng cho biết, hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học và trên đại học thiếu việc làm còn cao, do đó Chính phủ Việt Nam đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang học tập và làm việc tại nước ngoài. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã chính thức giao Bộ quản lý hệ thống trường nghề với 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do đó, thời gian tới, Bộ sẽ chọn ba khâu đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Giao quyền tự chủ đối với nhà trường về tài chính, tổ chức bộ máy, chương trình đào tạo, mã ngành nghề, chương trình tuyển sinh; Kết nối nhà trường với doanh nghiệp gắn với thực tiễn để học sinh - sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; Chuẩn hóa công tác đào tạo theo cấp quốc gia, ASEAN và quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhập 34 bộ chương trình quốc tế, theo đó, Bộ sẽ lựa chọn 5 trường nghề đạt chuẩn trình độ quốc tế tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Bình Dương, đặc biệt ưu tiên sử dụng bộ chương trình của Đức tại các trường nghề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ sẽ chọn ba khâu đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2017 

Cám ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Ngài Christian Berger ghi nhận và đánh giá cao việc thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TBXH đảm trách. Ngài Christian Berger cho rằng, việc hợp tác về lao động, việc làm giữa hai bên thời gian qua đã có những thành công nhất định, nhất là đối với lao động trình độ cao cũng như điều dưỡng viên chăm sóc người già và điều dưỡng viên tại bệnh viện. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả hơn nữa nhằm mở rộng và tạo lợi thế sang một số ngành nghề khác. Ngoài ra, hai bên sẽ cùng nhau tập trung triển khai đàm phán và đi đến thống nhất về lĩnh vực bảo hiểm xã hội song phương trong năm 2017.

Nhân buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gửi lời mời tới Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức tham dự buổi đối thoại cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017 được tổ chức vào tháng 5/2017.