Cập nhật ngày: 23/03/2017

   Ngày 22/3, Tổng cục Dạy nghề tổ chức buổi gặp mặt báo chí thông tin kết quả công tác những tháng đầu năm và kế hoạch công tác năm 2017. PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự buổi gặp mặt có đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục và gần 70 phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

    

PGS, TS Cao Văn Sâm thông tin tại buổi gặp mặt báo chí

  Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Cao Văn Sâm cho biết, từ 01/01/2017 Bộ LĐ-TB&XH chính thức quản lý nhà nước toàn diện về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hiện Bộ đang quản lý 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Để hệ thống hoạt động ổn định, không xáo trộn, Tổng cục Dạy nghề đã tham mưu trình Bộ trình Chính phủ ban hành kịp thời các Nghị định, Quyết định hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp trong đó có Nghị định 143/NĐ-CP về Quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn về: Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm GDNN; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp….

 

Toàn cảnh buổi họp báo

 Công tác tuyển sinh năm 2017, theo kế hoạch sẽ tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (trong đó hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 600 ngàn người; hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật khoảng 20.000 người). Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay, đó là cho phép các trường được tự chủ tối đa trong tuyển sinh, nhưng phải đảm bảo nội dung tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH quy định về ngành nghề đào tạo, thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh của các trường được thực hiện một hay nhiều lần trong năm. Với trình độ trung cấp, các trường được tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên; đối với trình độ cao đẳng được tuyển học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên. Các trường được chọn hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Riêng với môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù, thực hiện theo quy chế tuyển sinh do hiệu trưởng ban hành. Học sinh THCS học hệ TC có thể lựa chọn không học văn hóa chỉ học chuyên môn. Những em học bổ túc văn hóa thì sau khi tốt nghiệp sẽ có 2 bằng, một bằng tốt nghiệp TC và một bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa. Bằng bổ túc văn hóa là điều kiện để các em có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn.

Tại buổi gặp mặt, Lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục Dạy nghề cũng thông tin những điểm mới của các thông tư mới được ban hành, đào tạo nghề cho Lao động nông thôn, Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

Buổi gặp mặt cũng dành nhiều thời gian để giải đáp các câu hỏi của phóng viên báo chí. Các phóng viên cho rằng việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp trong đầu năm 2017 là kết quả “ấn tượng”.

 

  PGS.TS Cao Văn Sâm trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí

Trước câu hỏi của báo chí “lo lắng” về qui chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm nay sẽ hút học sinh học đại học, ông Cao Văn Sâm cho rằng, đây cũng là khó khăn và áp lực với các trường trong hệ thống GDNN. “Tuy nhiên, thị trường lao động sẽ quyết định việc chọn học nghề hay học đại học, vì thực tế hiện nay chúng ta đang rất cần lực lượng lao động sản xuất trực tiếp. Điều này sẽ có tác động mạnh đến việc tuyển sinh của  các trường trong hệ thống GDNN hiện nay.

VPTCDN