Cập nhật ngày: 27/02/2017

 

Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, để giảm tải sức ép lên ngân sách nhà nước, cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và xã hội cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Bản thân các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động. 

PV: Thưa Ông, Ban Chỉ đạo Trung ương vừa đề ra mục tiêu năm 2017 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động; giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo 5,5 triệu lao động. Ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu này? 

Ông Trương Anh Dũng

Ông Trương Anh Dũng: Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2016-2020 của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” bình quân mỗi năm phải đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Đây là số lượng rất lớn, trong khi những năm qua nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách đảm bảo cho công tác này còn hạn chế. Giai đoạn 2010-2015 kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề, tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí chỉ đạt hơn 60% so với nhu cầu. Từ năm 2016, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương phải căn cứ vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để cân đối, bố trí kinh phí cho các hoạt động phù hợp với tổng số kinh phí được cấp và khả năng hoàn thành các tiêu chí.

Trong tổng số 5,5 triệu lao động nông thôn học nghề, ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ đào tạo khoảng 3,8 triệu người, số còn lại do các địa phương huy động từ các nguồn kinh phí khác từ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và người học để tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn.

 

Mô hình trồng nấm của bà Phạm Thị Mai (xã Dun, Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)

PV: Trong việc hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn đã có nhiều điểm mới với những quy định chặt chẽ tại Thông tư 152/2016/TT-BTC. Quy định mới này sẽ đảm bảo như thế nào về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của công tác đào tạo nghề ngắn hạn, thưa ông?

Ông Trương Anh Dũng: Ngày 17/10/2016, Bộ Tài chính bàn hành Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn. Việc ban hành Thông tư giúp cho các địa phương, cơ sở trong công tác quản lý kinh phí chặt chẽ, minh bạch, đúng mục tiêu, hỗ trợ đúng đối tượng, đồng thời  đảm bảo hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả, đúng mức chi, nội dung chi, tránh việc sử dụng kinh phí sai đối tượng, không hiệu quả hoặc hỗ trợ đào tạo tràn lan không xác định được nơi làm việc và hiệu quả sau đào tạo.

PV: Để đảm bảo công tác dạy nghề đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, rất cần có những đổi mới trong việc thu hút nguồn xã hội hóa vào hỗ trợ đào tạo nghề. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

  Ông Trương Anh Dũng: Khi xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, nhận thức được đây là Đề án với quy mô lớn, thời gian thực hiện dài, tác động tới hàng chục triệu người lao động nên cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong xã hội để đảm bảo mục tiêu của Đề án. Nhất là trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc thu hút nguồn xã hội hóa vào hỗ trợ đào tạo nghề là rất quan trọng và cần thiết, góp phần giảm tải sức ép lên ngân sách nhà nước, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và xã hội cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Việc xã hội hóa không chỉ là đóng góp về kinh phí mà còn cả sự hỗ trợ về thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ chương trình, giáo trình phù hợp với yêu cầu sản xuất, cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi tham gia đào tạo....

Tuy nhiên, để thu hút được các nguồn xã hội hóa, trước hết, bản thân các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong việc thực hiện Giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng cho phù hợp. Có vậy, mới thu hút các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, thu hút lao động tham gia học nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động.

PV: Xin cảm ơn ông !

Theo Bùi Tư / Thời báo Tài chính Việt nam