Cập nhật ngày: 01/05/2022

 Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021, với mục tiêu “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo”.

Nhằm tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung của Chiến lược cũng như định hướng các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch triển khai với phương án, giải pháp, lộ trình phù hợp đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành, địa phương. Ngày 09 tháng 5 năm 2022, tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp; Thủ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Nhà giáo, Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đại diện Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã trình bày những nội dung chính của Chiến lược, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các điểm mới của Chiến lược, kế hoạch triển khai Chiến lược trong thời gian tới và Kế hoạch triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên trình bày về bối cảnh, thách thức phát triển nguồn nhân lực, thực trạng tuyển sinh, đào tạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác tuyển sinh gắn với giải quyết việc làm thực hiện Chiến lược. Ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thông tin một số cơ chế, chính sách ban hành trong Quý I/2022 và quy định mới về quản lý đào tạo, miễn giảm học phí, liên kết đào tạo, việc cắt giảm điều kiện đầu tư và thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng, tổ chức đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số, chế độ làm việc, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, danh mục đào tạo nghề cấp 4, miễn giảm học phí, chính sách đối với các doanh nghiệp khi tham gia công tác đào tạo nghề; việc tổ chức thực hiện các Tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025… Các đề xuất, kiến nghị của đại biểu đã được Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao đổi, giải đáp tại Hội nghị.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã khẳng định: Chiến lược là khát vọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tranh thủ thời cơ dân số vàng và lần đầu tiên có mục tiêu về đào tạo lại, phân tầng chất lượng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có các Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đây cũng là nguồn lực lớn để triển khai thực hiện. Tổng cục trưởng đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động thực hiện các nội dung: (1) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược. (2) Tăng cường công tác truyền thông, tổ chức Hội nghị giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm của địa phương hàng năm. (3) Xây dựng kế hoạch triển khai các tiểu dự án, nội dung thành phần trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. (4) Đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. (5) Sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (6) Củng cố năng lực quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp Sở, Phòng và các huyện. Khuyến khích các địa phương thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh để tham mưu, tư vấn trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tuyển sinh đào tạo, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động; rà soát, đánh giá và chuẩn bị kỹ các điều kiện để triển khai các tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; chuẩn bị xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường trong giai đoạn 05 năm, 10 năm tới cho phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của ngành, của địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về các nội dung của Hội nghị. Thứ trưởng khuyến khích các địa phương nghiên cứu, xây dựng chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu chung của Chiến lược. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung và tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong tổ chức thực hiện các nội dung của Quyết định số 2239/QĐ-TTg. Rà soát, phát hiện những vấn đề về thể chế, cơ chế chính sách hiện nay chưa phù hợp để điều chỉnh, bổ sung trong thời gian tới./.